Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

"Chuyện tào lao"
Top 10 cung thủ giỏi nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, nếu chỉ tính tài bắn cung thì 10 nhân vật dưới đây được xếp vào hàng đệ nhất.

(Xếp hạng này dựa theo quan điểm của Blog Văn học Điện ảnh).

1. Hoàng Trung

Hoàng Trung

“Hoàng Trung nghĩ đến cái ân không giết hôm qua, nên không đành lòng, Trung kéo căng cây cung, bắn thẳng vào mũ sắt của Quan Công. Quân lính đồng loạt hô lên. Quan Vân Trường kinh hãi, vẫn mang mũi tiễn trên mũ quay về trại, mới biết Hoàng Trung có năng lực bách bộ xuyên dương, hôm nay chỉ bắn trúng đỉnh mũ, chính là báo ân hôm qua không giết hắn”.

Trong chiến dịch này, Lưu Bị chiếm cứ Hình Châu, lệnh cho Vân Trường tiến công địa điểm khác. Hoàng Trung được lệnh cưỡi ngựa dẫn đầu bộ binh nghênh chiến Quan Vũ. Không may Hoàng Trung thất bại vì ngã ngựa, cứ nghĩ Quan Vũ sẽ giết mình nhưng lại được tha. Lần giao chiến sau, Hoàng Trung đã cẩn thận hơn. Vốn có thể giết Quan Vũ bằng cung nhưng nghĩ lại ân tha mạng hôm qua, Trung đã trả nghĩa cho Quan Vũ bằng cách cố tình bắn vào mũ, nếu không nhà Thục Hán đã mất đi một hổ tướng.

Khoảng cách giữa Hoàng Trung và Quan Vũ trên cầu chừng mấy chục mét. Đỉnh mũ giáp cũng nhỏ không kém lưỡi kích trong cảnh Lã Bố “Viên môn xạ kích”.

Hoàng Trung đã bắn trúng mũ giáp Quan Vũ đang di chuyển trên ngựa Xích Thố vốn chạy rất nhanh. Mục tiêu di chuyển khó hơn nhiều so với cây kích cố định. Vì vậy, kỹ năng bắn cung của Hoàng Trung chắc chắn cao hơn Lã Bố.

2. Thái Sử Từ

Thái Sử Từ đệ nhất cung thủ thời Tam Quốc

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thái Sử Từ tên tự là Tử Nghĩa, người huyện Hoằng, quận Đông Lai (nay là huyện Hoàng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông là mãnh tướng nhà Ngô, vốn là thuộc hạ của Lưu Do và đi theo Tôn Sách cùng gây dựng sự nghiệp ở Giang Đông. Ông sở hữu võ nghệ cao cường, cơ thể cường tráng, tính cách hiên ngang anh dũng, đặc biệt Thái Sử Từ là một cung thủ với tài năng vượt trội.

Tài thiện xạ của ông được thể hiện ở đoạn cứu Khổng Dung, khi ông tế ngựa ra khỏi cổng thành để đi gọi tiếp viện từ Lưu Bị, quân giặc khăn vàng đã cho cả kỵ binh lẫn bộ binh đuổi theo nhưng đã bị ông dùng cung tên hạ gục vài chục người.

Tài xạ tiễn của ông cũng được thể hiện khi ông từ phía xa bắn trúng tay người chửi mắng Tôn Sách đang đứng trên mặt tường thành, đây là một viên tướng của Nghiêm Bạch Hổ – người tranh chấp Giang Đông với Tôn Sách, viên tướng này cầm thanh ván và bị Thái Sử Từ bắn tiễn trúng tay khiến bàn tay dính chặt vào thanh ván, cảnh tượng này đã khiến hàng vạn quân lính phải khen hay.

3. Mã Siêu

Ma Chao

Mã Siêu là một vị võ tướng, một chiến binh Tây Lương dũng mãnh nổi danh ở thời Tam Quốc. Qua tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Mã Siêu được biết đến vì có lối đánh thần tốc, thiện chiến trong chiến đấu và cũng là một cung thủ xuất chúng. Trong mỗi trận chiến, ông thường xung phong đi đầu và khi rút lui cũng là người đích thân đi đoạn hậu để sẵn sàng nghênh địch.

Tài bắn cung của ông được miêu tả rõ nhất trong chiến dịch chống lại quân Tào, trong chiến dịch này, ông đã dùng cung tiễn hạ gục hàng chục quân Tào, nếu không có Hứa Chử bảo vệ, chắc chắn Tào Tháo đã phải bỏ mạng dưới mũi tên của ông.

4. Triệu Vân

danh tướng Triệu Vân
Ngoài kỹ năng dùng thương, Triệu Vân cũng là một trong những cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Triệu Vân là một trong ngũ hổ tướng của nhà Thục, ông thường được biết đến với tài năng võ nghệ xuất chúng nhưng tiễn pháp của ông cũng không thể xem thường.

Kỹ năng xạ tiễn của Triệu Vân được thể hiện trong chuyến “Lưu Bị phạt Ngô” với Khổng Minh. Khi thuyền của Từ Thịnh đang đuổi theo cách thuyền của Triệu Vân và Gia Cát Khổng Minh không quá xa, khoảng vài chục mét, Triệu Vân đã dùng một mũi tên bắn trúng dây thừng nối buồm trên thuyền của Từ Thịnh.

Điểm bắn mà Triệu Vân chọn là sợi dây thừng, trong khi chi tiết “Viên môn xạ kích” của Lã Bố là mũi kích với khoảng cách là 150 bước. Điểm bắn của Lã Bố nhỏ hơn và xa hơn. Tuy nhiên điểm bắn của Triệu Vân là mục tiêu di chuyển, cộng với khi bắn Triệu Vân cũng đang đứng trên thuyền với sóng to gió lớn. Như vậy có thể suy đoán khả năng xạ tiễn của Triệu Vân vẫn trên Lã Bố một chút.

5. Lã Bố

Viên môn xạ kích
“Viên môn xạ kích” – một trong những điển tích nổi tiếng của Tam Quốc Diễn Nghĩa.

“Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố” – đó là câu nói thể hiện 2 cực phẩm nhân gian thời Tam Quốc, Lã Bố là viên tướng dũng mãnh trên chiến trường và cũng là một cung thủ tài năng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Sự kiện “Viên môn xạ kích” thể hiện rõ nhất khả năng thiện xạ của Lã Bố khi viên đại tướng này dùng cung tên bắn trúng đoạn nối cực nhỏ trên thanh kích ở khoảng cách 150 bước. Cổ nhân dùng thuật ngữ “Bách bộ xuyên dương” để hình dung tiễn pháp của một người cực kỳ cao siêu. Bách bộ, tức là trăm bước, một bước tương đương 1,3-1,4 mét, lấy giá trị trung bình và ước chừng thì 150 bước là khoảng 200 mét.

Từ đó ta thấy, Lã Bố đã bắn trúng đoạn nối cực nhỏ trên thanh kích ở khoảng cách chừng 200 mét, đồng thời làm được điều này còn đòi hỏi lực tay mạnh mẽ mới có thể khiến mũi tên bay xa. Điều này chứng tỏ tiễn thuật của Lã Bố là cực kỳ xuất chúng.

6. Cam Ninh

Cam Ninh

Cam Ninh, tên chữ là Cam Hưng Bá, ông vốn là tướng dưới quyền Lưu Biểu và sau này quy thuận nhà Đông Ngô. Ông nổi danh là một viên tướng văn võ song toàn, cùng với tài thiện xạ siêu phàm. Cam Ninh từng dùng một mũi tên để đoạt mạng đại tướng nhà Đông Ngô là Lăng Tháo. Về sau khi hàng Đông Ngô, Cam Ninh tiếp tục dùng tài xạ tiễn của mình để bắn chết Hoàng Tổ và Sái Huân (Sái Huân là tướng thủy binh nhà Ngụy).

Bởi vì cha ruột chết dưới tay Cam Ninh, con trai của Lăng Tháo là Lăng Thống đã nhiều lần muốn sống mái với ông khi ông quy hàng nhà Đông Ngô. Trong một trận chiến với quân Tào Nguỵ, Lăng Thống ra trước trận đọ sức với viên tướng Nguỵ là Nhạc Tiến, hai tướng đánh nhau 50, 60 hiệp chưa phân thắng bại. Bên phía quân Tào đã dùng thủ đoạn bắn lén tiễn vào ngựa của Lăng Thống, khiến Thống ngã ngựa, Nhạc Tiến tế ngựa lại chuẩn bị đâm thì Cam Ninh đã nhanh như cắt bắn một mũi tên trúng mặt Nhạc Tiến khiến viên tướng này bị thương nặng, cứu Lăng Thống một mạng, từ đó hai người đã rũ bỏ được hiềm khích bấy lâu.

7. Nhạc Tiến

Nhạc Tiến tam quốc

Nhạc Tiến là mãnh tướng của nhà Nguỵ thời Tam Quốc, ông được miêu tả là một người có ngoại hình thấp bé nhưng vô cùng dũng mãnh trên chiến trường, là người đa tài, ông có thể sử dụng thành thạo cả đao, thương và cung tiễn.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, có 2 tình tiết thể hiện kỹ năng bắn cung của Nhạc Tiến: Hồi 12, Nhạc Tiến bắn một mũi tên vào tướng của Lã Bố là Thành Liêm và giết chết viên tướng này. Hồi 33, ông có màn “nhất tiễn hạ song điêu” khi giết Quách Đồ và con ngựa của hắn với chỉ một lần bắn khi Quách Đồ định chạy trốn sau chiến bại.

8. Trương Liêu

Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Trương Liêu, tự là Văn Viễn, lã mãnh tướng hàng đầu của Tào Tháo. Ông là người gần như hoàn hảo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Về tài thu phục nhân tâm, ông từng dụ hàng được Quan Vũ. Về võ, ông khiến cho một người kiêu ngạo như Quan Vũ phải nhận xét “có võ nghệ không kém mình”, từng đánh nhau không phân thắng bại với Thái Sử Từ. Về tài dùng binh, ông từng khiến cho Tôn Quyền phải toát mồ hôi lạnh tại bến Tiêu Diêu, khiến cho trẻ em Đông Ngô nghe thấy tên Trương Liêu là sợ không dám khóc. Về tài bắn tên, ông từng bắn chết một viên tướng của Viên Thiệu, từng bắn trọng thương Hoàng Cái trong trận Xích Bích để cứu Tào Tháo trong đám loạn quân.

9. Lưu Bị

Lưu Bị bắn cung tên

Tam Quốc Diễn Nghĩa hầu hết tập trung mô tả lòng nhân từ và khả năng chính trị của Lưu Bị. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua khả năng võ nghệ và kỹ thuật bắn tên của ông.

Thực tế, Lưu Bị là một cao thủ sử dụng song kiếm và cung tên. Sinh thời, Lưu Bị là người thích săn bắn và cưỡi ngựa, trong lần đi săn ở Hứa Điền, ông đã trổ tài săn bắn của mình.

Trong giai đoạn dẹp giặc khăn vàng, Lưu Huyền Đức đã vài lần sử dụng cung tên để tiêu diệt và làm bị thương tướng giặc.

10. Tào Tháo

Tào Tháo bắn tên giỏi

Khi nhắc đến Tào A Man, nhiều người nghĩ ngay đến nhân vật nổi tiếng đa nghi, gian xảo. Tuy vậy, ít người biết rằng, Tào Mạnh Đức cũng là một cung thủ tài năng.

Ngay khi còn trẻ, Tào Tháo đã chăm chỉ luyện võ, rèn luyện sức mạnh để tăng khả năng chiến đấu, tự vệ. Ông thành thạo một số loại binh khí, bao gồm kiếm, thương và cung.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa có miêu tả tài bắn cung xuất sắc của Tào Tháo là khi ông đi săn ở Hứa Điền. Trong lần đi săn ấy, khả năng xạ tiễn của cả Lưu Bị lẫn Tào Tháo đều được thể hiện trước sự kinh ngạc của mọi người.

Trên đây là bài viết Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa theo quan điểm của Blog Văn học Điện ảnh, nếu độc giả thấy bài viết còn thiếu sót có thể bổ sung ở phần bình luận phía dưới nhé!

Xem thêm:

Top 10 quân sư, mưu sĩ tài ba nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Top 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Bài viết liên quan

One thought on “Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

  1. Trương migo says:

    Tướng giỏi về bắn tên còn nhiều phết, các tướng phe Tào Ngụy như Trương Cáp, Từ Hoảng, Hứa Chử… từng có dịp trổ tài rồi.
    Văn Sú nữa, từng dùng cung tên đẩy lui Trương Liêu, Từ Hoảng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!