Các tác phẩm văn học là công cụ phản ánh chính xác và cụ thể từng thời kỳ phát triển của dân tộc một cách sâu sắc. Những tác phẩm này là những chứng nhân lịch sử, là tài liệu vô giá về văn hóa, của tâm hồn Việt. Qua bài viết dưới đây, admin xin giới thiệu top 10 tác phẩm văn học Việt Nam đặc sắc nhất.
Danh sách dưới đây là ý kiến chủ quan của Blog Văn học Điện ảnh và không sắp xếp theo thứ tự về mức độ hay, mỗi tác phẩm văn học đều hay theo cách riêng của tác phẩm đó!
Truyện Kiều – Nguyễn Du
Truyện Kiều là một tập thơ Nôm với 3254 câu thơ, tác phẩm được mệnh danh là kiệt tác thi ca của văn học Việt Nam.
Nhắc tới Nguyễn Du, người ta nghĩ ngay đến chân dung một vị đại thi hào tài ba, chân chính của văn học Việt Nam thời trung đại. Văn thơ của Nguyễn Du đậm nét tư tưởng nhân đạo. Tính nhân đạo đó luôn thể hiện ở cách ông đề cao giá trị con người, cùng lối suy ngẫm về số phận con người và cách tác giả không ngần ngại tố cáo những góc tối của xã hội.
Truyện Kiều là câu chuyện về cuộc đời của người con gái đẹp, thông minh, tài giỏi nhưng lại “hồng nhan bạc phận”, cuộc đời đã đày đọa nàng vào kiếp hẩm hiu, rẻ rúng của một kĩ nữ lầu xanh. Tác phẩm cho độc giả thấy được sự trớ trêu của đời người phụ nữ phong kiến, đó cũng phản ánh rõ cái chất nhân đạo trong văn thơ của Nguyễn Du.
Tắt Đèn – Ngô Tất Tố
Tắt Đèn là tiểu thuyết của tác giả Ngô Tất Tố. Nhà văn đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật chị Dậu – một con người tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Vì gia đình, chị Dậu đã phải cam chịu nhiều khổ sở đến cùng cực, dù biến cố luôn thường trực nhưng với ý chí mạnh mẽ, chị vẫn toả sáng dưới sự áp bức của xã hội nửa phong kiến nửa thực dân.
Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, người đọc khó có thể tìm thấy chút hy vọng nào cho số phận nhân vật chính. Có lẽ sẽ chẳng ai quên được hình ảnh chị Dậu bán đàn chó, rồi bán cả đứa con mình đẻ ra chỉ vì cuộc sống túng quẫn. Ngô Tất Tố đã lột tả tất cả bằng lối hành văn cảm động và gai góc. Tác phẩm biểu đạt được những ý nghĩa sâu xa của lịch sử, song cũng nói lên tiếng nói đầy chất nhân văn.
Chí Phèo – Nam Cao
Chí Phèo là một trong những tác phẩm văn học kinh điển nhất và đã được đưa vào chương trình học của trung học phổ thông. Truyện ngắn Chí Phèo khắc họa hình ảnh người nông dân bị bần cùng hóa thông qua ngòi bút sâu sắc và nhân đạo của nhà văn Nam Cao.
Thông qua nhân vật Chí Phèo – người nông dân bị bần cùng, bị lưu manh hóa, bị xã hội đẩy tới đường cùng. Tuy nhiên, Chí Phèo không mất đi sự thiện lương và những điều tốt đẹp. Nhà văn Nam Cao đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định phẩm chất và bản chất thiện lương của con người, đồng thời lên án đanh thép một xã hội tàn bạo trước năm 1945.
Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng
Số Đỏ là một tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7/10/1936 và được in thành sách lần đầu năm 1938. Với lối diễn đạt thân thuộc, tình huống đậm “tấn hài kịch” của “ông hoàng nghệ thuật trào phúng”. Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng đã ghi dấu ấn sâu sắc trong văn học Việt Nam.
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là những nghịch lý trớ trêu về cuộc đời nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Từ một kẻ lang thang nơi đầu đường xó chợ, nhờ cái miệng “dẻo” và cái số “đỏ”, nhân vật này dần gây dựng cho mình một hình tượng “văn minh” đầy kiêu ngạo.
Tiểu thuyết Số Đỏ, cũng như nhiều tác phẩm khác của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam cho đến năm 1986. Tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực rõ nét, mà còn châm biếm khéo léo sâu cay xã hội thời bấy giờ.
Nỗi Buồn Chiến Tranh – Bảo Ninh
Tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh chạm đến trái tim người đọc với câu chuyện về Kiên – một người lính sống trong 10 năm chiến tranh và 10 năm hòa bình, với những hồi ức tàn khốc đau đớn.
Câu chuyện cắt sâu vào tâm can người đọc bởi những đoạn hồi ức, những cảm xúc không liền mạch. Nhân vật Kiên sống trong một thế giới đầy máu chảy, anh vẫn yêu đến điên cuồng, liều lĩnh và theo đuổi sự tự do vĩnh cửu. Kết thúc tác phẩm, độc giả sẽ chìm đắm trong tiếc nuối, hoang mang và sự tuyệt vọng, chúng ta sẽ phải đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời, giá trị con người và lý tưởng sống.
Những Ngày Thơ Ấu – Nguyên Hồng
Cuốn hồi ký Những Ngày Thơ Ấu của tác giả Nguyên Hồng là tấm vé đưa ta trở về tuổi thơ, bằng câu chuyện về cậu bé đã phải trải qua nhiều cay đắng, mất mát. Người đọc sẽ cảm thấy được tình yêu trong cậu bé Hồng vẫn chưa bao giờ thôi rực cháy.
Tác phẩm cũng là lời tâm tình mộc mạc, trong sáng của tác giả Nguyên Hồng về tuổi thơ thông qua hình ảnh người mẹ tần tảo thương con vô bờ bến. Tuổi thơ của tác giả đã có thể không đẹp, không nhiều sắc màu đến thế nếu như sâu bên trong tác giả không có sẵn niềm tự hào, niềm yêu thương vô ngần với quá khứ của mình.
Những Ngày Thơ Ấu còn miêu tả bức tranh xã hội Việt Nam những năm đầu thể kỷ XX, tác phẩm từng được trích đoạn trong chương trình học trung học cơ sở.
Tuổi Thơ Dữ Dội – Phùng Quán
Tuổi Thơ Dữ Dội là cuốn tiểu thuyết đầy cảm xúc, hấp dẫn và phù hợp cho mọi lứa tuổi. Khi bắt đầu đọc, độc giả sẽ như được quay về quá khứ xa xôi, theo dõi những đứa trẻ dũng cảm tham gia vào cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc.
Tác phẩm đem tới người đọc đầy đủ mọi xúc cảm: Sự căm hận, niềm vui, nỗi buồn và tình yêu thương,… Mỗi trang tiểu thuyết sẽ giúp ta cảm nhận sâu sắc những gian khổ mà nhân dân Việt Nam trải qua trong thời kháng chiến chống Pháp.
Sự trong sạch và kiên cường của các em nhỏ trong câu chuyện khiến người lớn cũng phải cảm phục. Bên cạnh đó, câu chuyện vẫn rất hồn nhiên, tươi vui, hài hước bởi lối hành văn giản dị, gần gũi và giàu tính chân thực của tác giả Phùng Quán. Đây được coi là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam.
Vợ Nhặt – Kim Lân
Kim Lân là cây bút tài ba, ông có sở trường viết về nông thôn và người lao động. Một trong những tác phẩm được xem là viên ngọc quý của văn học Việt Nam dưới ngòi bút của Kim Lân chính là Vợ Nhặt.
Qua Vợ Nhặt, tác giả đã khắc họa hiện thực đau lòng của nạn đói năm 1945: Những con người như Tràng, Thị, bà cụ Tứ phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khi nạn đói đang bao trùm lúc bấy giờ.
Mặc dù bị đẩy đến đường cùng, bị cái đói làm méo mó nhân cách, nhưng người nông dân vẫn sẵn sàng chia sẻ từng miếng cơm, vẫn cưu mang nhau và quan trọng hơn là cùng mơ về một tương lai tươi sáng. Nhà văn đã truyền đạt sự trân trọng và niềm tin vào khát khao của những nhân vật, mặc dù những cơ hội rất mong manh, nhưng tác giả vẫn mở ra một cánh cửa tương lai tươi sáng cho họ, và cho cả những độc giả có thêm niềm tin trong cuộc sống của chính mình.
Đời Thừa – Nam Cao
Đối với đề tài người trí thức tiểu tư sản, đáng chú ý là các truyện ngắn: Giăng sáng, Đời thừa, Truyện tình, Mua danh… Nhà văn Nam Cao đặc biệt đi sâu vào những bi kịch tâm hồn của họ, qua đó, đặt ra vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn.
Tác giả Nam Cao đòi hỏi mỗi nhà văn phải có lương tâm nghề nghiệp, có nhân cách xứng với nghề, và cho rằng “sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện”. Nhà văn Hộ trong truyện ngắn Đời Thừa phải chăng là hình ảnh của chính Nam Cao hay chính là hình ảnh đại diện cho tầng lớp trí thức trong xã hội cũ? Anh mang trong mình niềm tin và nhiệt huyết, muốn tạo ra một tác phẩm có thể lay động một kiếp người. Ấy thế, chuyện cơm áo gạo tiền, vợ con nheo nhóc đã kéo mộng tưởng của anh sát tới mặt đất.
Qua tác phẩm của mình, Nam Cao đã thể hiện quan điểm nghệ thuật rằng, một tác phẩm văn học phải vượt lên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả nhân loại.
Vang Bóng Một Thời – Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân – một nhà văn yêu nước, yêu văn hóa Việt, ông yêu đến cái độ dùng cả tâm can mình để khắc họa nét văn hóa cổ điển của Việt Nam vào từng câu chữ, để giờ đây tác phẩm Vang Bóng Một Thời của ông cũng đã vang bóng qua nhiều thế hệ.
Vang Bóng Một Thời là tác phẩm gần như hướng tới sự toàn mỹ, làm cho độc giả cảm nhận được những thứ nghệ thuật thanh cao của một nền văn minh xưa cũ và có chút nuối tiếc cho những cái đẹp.
Tập truyện ngắn Vang Bóng Một Thời không chỉ đơn thuần là những câu chuyện, đó còn là ký ức, là hoài niệm, là sợi dây gắn kết con người với những thứ xưa cũ đang dần mờ nhạt. Độc giả tìm đến tác phẩm để biết thế nào là văn hóa Việt xưa, để hiểu về dân tộc mình, để biết thế nào là Thả thơ, là Đánh Thơ,…
Qua dòng chảy thời gian, những tác phẩm văn học kinh điển vẫn không bị mất đi giá trị mà chúng gửi gắm qua từng trang giấy. Blog Văn học Điện ảnh vừa giới thiệu đến độc giả những tác phẩm như thế – Top 10 tác phẩm văn học Việt Nam đặc sắc nhất. Hy vọng qua bài viết này, các độc giả có thể chọn cho mình một tác phẩm hay để thưởng thức!
Xem thêm: Top 7 phim chuyển thể từ văn học Việt Nam đặc sắc nhất!