Với sự phát triển của mạng internet trên toàn cầu, việc này đã tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống con người, và văn học cũng không nằm ngoài sự thay đổi đó. Có thể nói, việc thay đổi từ cây bút, trang giấy, sang bàn phím, các trang web đọc truyện online; hoặc việc số hoá một tác phẩm văn học là nhu cầu tất yếu trong thời kỳ kỹ thuật số ngày nay.
Văn học mạng là gì?
Văn học mạng, còn gọi là văn học điện tử, là những tác phẩm được tác giả viết lách trực tiếp trên mạng, thu hút được sự theo dõi của công chúng sử dụng internet, tác phẩm sau đó có thể được in thành sách giấy tại các nhà xuất bản, sau khi đã được các biên tập viên chỉnh sửa. Cũng có ý kiến cho rằng, những tác phẩm văn học truyền thống từ sách giấy, sau khi được xuất bản, cũng được tác giả đưa lên các trang web đọc truyện, blog cá nhân, nhằm lưu trữ và nhắm tới nhiều độc giả hơn nữa trên môi trường mạng, cũng được gọi là văn học mạng.
Internet – một không gian mới cho văn học
Ngày nay, với sự phát triển của internet đã dẫn tới nhiều hoạt động làm việc, học tập, mua bán, quảng cáo, xem phim, nghe nhạc… đều diễn ra trên môi trường kỹ thuật số này. Việc đọc sách và viết sách cũng vậy, không ít người đã sử dụng mạng internet làm phương tiện để chuyển tải tác phẩm của mình đến bạn đọc.
Mạng internet đang trở thành công cụ đắc lực để những tác giả trẻ yêu thích sáng tác văn học có thể tự do tạo ra những tác phẩm của riêng mình. Thay vì phải mang bản thảo đến nhà xuất bản đợi duyệt, chỉnh sửa, phản hồi và có thể bị “trả về nơi sản xuất” vì nhiều lý do, thì internet đang tạo ra một “không gian” để những tác phẩm được tác giả và độc giả tự đánh giá.
Không ít tác giả trẻ đã luyện tập kỹ năng viết trên môi trường mạng bằng những trang web đọc truyện hoặc ngay trên các mạng xã hội. Đây cũng là cách để những nhà xuất bản tìm được những tác phẩm tiềm năng và khảo sát xu hướng của độc giả.
Tại Việt Nam, đã có nhiều tác giả đã thành công và đi lên từ văn học mạng, có thể kể đến như Đặng Thân, Trang Hạ, Trần Thu Trang, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Nhật Phi, Phong Việt, Anh Khang, Phan An, Hamlet Trương… Mỗi người đều có những điểm độc đáo riêng trong sáng tác.
Thậm chí, các tác giả thuộc thế hệ người viết đã thành danh như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Thiếu Nhơn, Văn Công Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Quang Thiều, Phong Điệp… đều có những trang mạng xã hội, trang blog để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng yêu văn học.
Còn với độc giả, văn học mạng cho họ sự tiện lợi khi chỉ cần có trên tay chiếc smartphone kết nối mạng, thì đều có thể tìm đọc các trang web đọc truyện mà họ yêu thích. Trên các web đọc truyện, các tác phẩm sẽ được sắp xếp trên các chuyên mục với đủ thể loại như ngôn tình, kinh dị, kiếm hiệp, viễn tưởng…
Điều này cho thấy phần nào vai trò tích cực của văn học mạng, đó là góp phần làm đa dạng hóa diện mạo của nền văn học nước nhà.
Văn học mạng – ưu thế về tính linh hoạt
Khác với văn học truyền thống, văn học mạng mở ra cơ hội cho độc giả tiếp cận nhanh nhất với tác phẩm và có thể phản hồi trực tiếp với tác giả. Trong không gian mạng, chưa bao giờ sự giao lưu giữa tác giả và độc giả lại gần nhau đến thế. Có thể nói, nhờ sự phát triển của mạng internet, những tác giả có thể dễ dàng hơn bao giờ hết khi chuyền tải tác phẩm tới độc giả, cũng như để lắng nghe phản hồi của người đọc một cách nhanh nhất.
Do tính “cơ động” của internet, các sáng tác có thể được gỡ bỏ, thay đổi, sửa chữa, theo ý kiến góp ý của độc giả. Nhờ đó, các tác tác giả cũng có thể dễ dàng thử nghiệm những sáng tác mới, những cách hành văn mới, tình tiết mới…
Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, độc giả có thể trực tiếp giao lưu với các nhà văn, cũng trực tiếp thấy chân dung sống động của nhà văn, thậm chí, chính độc giả cũng góp phần tạo ra tác phẩm khi góp ý cho nhà văn, điều mà trước kia không có. Chính thế, đời sống văn học đã mang nhiều màu sắc hơn, sinh động hơn.
Tính tự do của văn học mạng – một con dao 2 lưỡi
Đi kèm với những tiềm năng mà văn học mạng mang lại, thì cũng có nhiều rủi ro về việc kiểm soát nội dung. Bởi chính vì sự tự do sáng tác mà không qua tay sự biên tập, kiểm soát của những nhà xuất bản, những biên tập viên chuyên nghiệp, thì nhiều tác phẩm “rác” cũng dễ dàng được xuất bản trên môi trường kỹ thuật số này.
Trên các mạng xã hội ta có thể tìm kiếm được rất nhiều nhóm, cộng đồng người viết truyện, đủ mọi thể loại. Người viết có thể là sinh viên, thậm chí là học sinh cấp 2, cấp 3, viết một cách bản năng, dễ dãi, những cây bút này không coi văn học là vẻ đẹp của nghệ thuật và sự thiêng liêng trong giáo dục là bản chất của văn học. Họ viết tập trung vào những chủ đề giật gân, không lành mạnh, chủ yếu nhằm giải trí mà quên đi những giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục.
Với lượng lớn người dùng mạng xã hội chủ yếu cũng là người trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên, những người chưa đủ chiều sâu nội tâm để đánh giá nội dung một tác phẩm văn học nghệ thuật, các em sẽ dễ bị tò mò, thu hút bởi những nội dung câu view rẻ tiền đó, như những câu chuyện về bạo lực, đồi truỵ và nhiều nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục khác… Các nội dung rẻ tiền như vậy có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang web đọc truyện online hiện nay. Những sáng tác đó không phải là văn học mà họ chỉ lấy cái mỹ từ “văn học” để gán cho một thứ tăm tối, suy đồi và lạc lối của cả người viết lẫn người đọc.
Thực tế việc kiểm soát văn học mạng cũng không phải dễ dàng, đây là một “thị trường tự do”, phần lớn không gắn liền với các công ty phát hành sách hay nhà xuất bản. Tác giả có thể ẩn danh khi sáng tác, các “rác phẩm” được đăng tải trên những trang web truyện “lậu”, mạng xã hội. Việc rà soát, thu hồi các văn hóa phẩm như thế và xử phạt tác giả vi phạm là tương đối khó khăn.
Cần phát triển văn hóa đọc để nhà văn có thể sống với nghề của mình
Những tác giả đã thành công với văn học mạng, hầu hết, đều đã đặt chân sang văn học truyền thống khi có những thành công nhất định. Họ chọn sách truyền thống làm phương thức tồn tại và tiếp cận công chúng cho tác phẩm của mình, bên cạnh phương thức tồn tại trên internet.
Việc xuất bản thành sách giấy đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm nhiều hơn của nhà văn, biên tập viên, nhà xuất bản. Ta không thể xuất bản một cuốn sách với nội dung sai lệch và cẩu thả được. Sách là nguồn tri thức và dù là những câu chuyện ngắn, nó vẫn phải truyền đạt điều gì đó tích cực và rõ ràng. Việc tác phẩm từ mạng internet được xuất bản thành sách giấy và phát hành là một mốc son quan trọng chứng minh giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đó cũng là mong muốn của các tác giả.
Trước những giới hạn của văn học mạng, điều cần làm là phải phát triển văn hóa đọc để các nhà văn chân chính có thể sống với nghề, tạo môi trường để những nhà văn chưa thành danh có cơ hội sáng tác và quảng bá tác phẩm đến cộng đồng.
Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp để phát hiện nhanh, xử lý những tác phẩm có nội dung lệch lạc chuẩn mực, suy đồi đạo đức nhằm làm trong sạch môi trường văn học mạng.
Điều quan trọng là phải nâng cao văn hóa đọc để người dân có thể nhận diện được đâu là những giá trị thực, đâu là nội dung phản nghệ thuật, vi phạm thuần phong mỹ tục, có tác động xấu về mặt xã hội… khi thưởng thức những tác phẩm trên môi trường internet.
Admin cho rằng, đó là những điều quan trọng nhất để góp phần làm văn học mạng trở thành động lực tích cực cho sự phát triển của văn học Việt Nam. Bởi vì thực tế, văn học mạng không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học, nó có những đặc thù riêng mà văn học truyền thống không thể có được như ở đầu bài viết đã đề cập. Văn học mạng cũng là sự thích ứng của văn học đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà internet đang giúp con người ta kết nối với nhau nhiều hơn bao giờ hết!
Xem thêm: Bàn về việc xem phim và đọc sách