The Shawshank Redemption – quyền năng vô tận của niềm hy vọng

Cảm thụ điện ảnh
The Shawshank Redemption - quyền năng vô tận của niềm hy vọng

The Shawshank Redemption là một kiệt tác đã quá nổi tiếng, chắc hẳn nhiều người đã từng xem qua ít nhất một lần, cũng như từng đọc hoặc từng nghe những bài bình luận ở những trang báo, blog hay vlog khác. Nhưng Blog Văn học Điện ảnh vẫn muốn chia sẻ về khía cạnh ‘giá trị của niềm hy vọng’ trong kiệt tác điện ảnh này.

*Bài viết tiết lộ nội dung phim

Niềm hy vọng là gì? Nó có quan trọng không?

giá trị của niềm hy vọng

Niềm hy vọng trong mỗi con người là thứ mà bất kỳ ai đều muốn bám víu vào khi sự không chắc chắn xuất hiện. Hy vọng không giống ảo tưởng, hy vọng là hiện thân của quyền tự quyết và ý chí.

Hy vọng quan trọng bởi nó có những ích lợi rõ ràng. Nếu ai đó có niềm hy vọng lớn, thì mặc dù họ đã thấy con đường phía trước bị chặn lại, họ có thể chủ động tạo ra những con đường thay thế. Nói cách khác, người nào học được cách hy vọng sẽ có quyền tự quyết, năng lượng và động lực lớn hơn để đi đến nơi họ muốn.

Hy vọng giống như một thói quen hơn là một trạng thái tâm trí, và giống như bất kỳ thói quen nào khác, hy vọng có thể học được. Chúng ta có thể học cách đưa ra những quyết định có hy vọng cao hơn, chẳng hạn như nhìn thấy những khả năng mới, tập trung vào những mặt tích cực, tạo ra những mục tiêu lớn, thú vị và tìm ra ý nghĩa trong cuộc đời của chúng ta.

Giới thiệu phim The Shaw Shank Redemption

bình luận phim nhà tù shawshank

Bộ phim The Shawshank Redemption (tựa Việt: Nhà Tù Shawshank, sản xuất năm 1994) là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn Rita Hayworth and Shawshank Redemption của nhà văn Stephen King xuất bản năm 1982. Dù được mệnh danh là “ông hoàng kinh dị”, vốn nổi tiếng với những tác phẩm văn học kinh dị như It, The Shining, 1048, Pet Sematary, Carrie… nhưng cuốn tiểu thuyết thể loại tâm lý này vẫn là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của nhà văn Stephen King.

Mặc dù The Shawshank Redemption bị tuột khỏi giải Oscar dù được đề cử ở tận 7 hạng mục. Nhưng bộ phim lại chiếm giữ vị trí “đỉnh của chóp” trên trang đánh giá phim ảnh uy tín – IMDB. Cụ thể, tác phẩm đạt 9.3 điểm, qua mặt cả ‘The Godfather’ và ‘The Dark Knight’.

Phim kể về Andy Dufresne, một phó giám đốc nhà băng thành đạt, một nhân vật luôn lạc quan và tràn đầy hy vọng dù bị kết 2 án chung thân vì giết vợ và gã nhân tình, trong khi anh hoàn toàn vô tội. Và rồi con người ấy với một nghị lực phi phàm, với trí tuệ đỉnh cao, với một cây búa nhỏ, đã tự giải thoát cho bản thân sau 20 năm, anh đã làm được điều tưởng như bất khả thi là giành lại tự do cho cuộc đời mình.

The Shawshank Redemption – giá trị của niềm hy vọng

giá trị của niềm hy vọng trong phim The Shawshank Redemption

Ngay từ đầu bộ phim, nhân vật Andy đã phải nhận một hình phạt oan trái khi phía trước còn là một tương lai vô cùng rộng mở. Nếu ai đó cũng rơi vào hoàn cảnh giống Andy thì họ sẽ làm gì? Có người có thể sẽ tự kết liễu đời mình trong tù khi mất hết niềm tin vào xã hội, vào cuộc sống. Có người có thể sẽ bị ‘thể chế hóa’ như nhân vật ông lão Brooks trong phim.

Nhân vật Red đã nói rằng: “Ông ta đã bị ‘thể chế hóa’… Ông ta đã ở đây 50 năm rồi, 50 năm; đây là tất cả những gì ông ấy có. Ở trong này ông ấy là người quan trọng, một người có học. Ngoài kìa, ông ấy chẳng là gì cả… Cậu cứ tin những gì tùy cậu. Nhưng những bức tường nhà tù này rất vui tính, lúc đầu ta ghét chúng, song về sau ta quen với chúng, và khi thời gian đủ lâu… ta sẽ phụ thuộc vào chúng. Đó gọi là ‘thể chế hóa’ “.

Những người bị ‘thể chế hoá’ như vậy sợ phải đối mặt với sự thật mà họ phải thừa nhận “tôi chẳng làm được gì ở ngoài này cả”. Và khi sức chịu đựng đã đến giới hạn, ông lão Brooks đã tìm đến sự giải thoát cuối cùng, ông ăn mặc lịch sự, lấy con dao và khắc lên tường nhà dòng chữ “BROOKS WAS HERE” và treo cổ giải thoát cuộc đời mình.

Nhưng ngược lại với nhiều nhân vật khác, Andy chọn hướng đi khác, đó là niềm hy vọng. Như chúng ta thấy, Andy không hề phản ứng quá dữ dội với “trò đùa của số phận”, anh luôn giữ một thái độ bình thản đến ngỡ ngàng. Chính thái độ bình thản này của anh đã khiến Red mất 2 bao thuốc lá, vì ông đã cá cược rằng Andy sẽ phải khóc lóc ngay trong đêm đầu tiên trong tù. Red đã nhận xét về Andy rằng: “Anh ta đi lại giống như một người không quan tâm hay lo lắng chút nào đến thế giới xung quanh cả, cứ như thể là anh ta đang có một chiếc áo khoác vô hình nào đó có thể bảo vệ anh ta khỏi mọi thứ trong thế giới này vậy”.

Hy vọng là thứ giúp Andy luôn giữ tỉnh táo, để đối mặt với biến cố cuộc đời, anh nhanh chóng vượt qua tâm trạng bất an rồi chấp nhận sự thật. Đó cũng là bài học của tác phẩm, rằng việc phủ nhận vấn đề không phải giải pháp lâu dài mà chúng ta nên thừa nhận nó, thấu hiểu nó, sau đó tìm cách giải quyết.

Tại nhà tù, nơi chẳng còn ai dám mơ một giấc mơ nào hết, nhưng với Andy, dù có ở tù bao nhiêu năm chăng nữa, anh vẫn không bị ‘thể chế hóa’ và chưa bao giờ thôi hy vọng. Anh luôn tin vào sự trong sạch của bản thân, luôn khát khao về một cuộc sống tự do, ngay cả khi anh chưa được tự do ngay, nhưng anh luôn cố gắng để khiến mình có cảm giác tự do, dù chỉ trong phút chốc.

Đáng chú ý nhất là khi anh giúp đỡ tên cai ngục, sau đó đổi lại một chầu bia cho đám tù nhân, anh ngồi đó mỉm cười nhìn “những đồng nghiệp” uống bia, dưới ánh nắng nhè nhẹ của buổi chiều tà, tận hưởng cảm giác đời thường nhất cứ như thể anh vừa trải nhựa cho chính ngôi nhà của mình vậy.

Hay như khi Andy bật một bản nhạc opera qua loa phát thanh nhà tù, khiến mọi phạm nhân cảm thấy được tự do, dù chỉ trong thoáng chốc. Đó là cách mà Andy giữ cho mình ngọn lửa hy vọng.

The Shawshank Redemption - giá trị của niềm hy vọng
The Shawshank Redemption – quyền năng vô tận của niềm hy vọng

Chính niềm hy vọng, lòng kiên trì, biết nhẫn nhục cam chịu khổ sở, biết tận dụng mọi lợi thế của bản thân, biệt tận dụng mọi cơ hội đến với mình… để đến cuối cùng, khán giả đã được chứng kiến nụ cười thoả mãn nhất của Andy trong suốt bộ phim, khi anh được đắm mình trong cơn mưa bên ngoài song sắt, đắm mình trong cuộc sống tự do mà anh luôn trông mong. Anh đã tự viết lên số phận của mình. Mà cũng chính niềm hy vọng mãnh liệt ấy đã truyền cảm hứng cho người bạn Red trong tù, để ông có lựa chọn khác với ông lão Brooks khi ra tù.

Red cũng trải qua những cảm xúc tương tự như Brooks, ông cũng hoàn toàn mất kết nối với thế giới bên ngoài và cũng muốn quay lại Shawshank, nơi đã gắn bó nửa đời người, ông đứng bên cửa kính một cửa hàng, nhìn những khẩu súng được trưng bày, những thứ có thể mang ông quay lại nhà tù, nhưng vì lời hứa với Andy, người đại diện cho niềm hy vọng, ông đã “quay xe”!

Sau chuyến hành trình đến nơi mà Andy hẹn khi cả hai còn trong tù và đọc được bức thư mà người bạn gửi cho mình. Red trở lại nhà trọ, ông cũng ăn mặc lịch sự, lấy dao khắc lên tường nhà dòng chữ “SO WAS RED”, ngay bên dòng chữ của ông lão Brooks. Nhưng khác với Brooks, ông không chọn buông bỏ cuộc đời, ông chọn tìm đến với niềm hy vọng được nhìn thấy một Thái Bình Dương xảnh thẳm, được bắt tay người bạn thân Andy…!

Tại sao The Shawshank Redemption lại được người ta yêu quý đến vậy? Tôi nghĩ là ở ngoài kia cũng có vô số người đã trải qua những tháng ngày đau khổ, thậm chí tuyệt vọng khi rơi xuống đáy của cuộc đời, nhưng bộ phim này đã cho họ hy vọng. Bộ phim truyền đi một thông điệp rằng, khi ta có hy vọng, ta sẽ làm được mọi việc, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù ở bất cứ đâu!

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!