Điện ảnh Nga – Xô Viết luôn để lại dấu ấn trong tâm hồn của nhiều thế hệ khán giả tại Việt Nam. Những bộ phim Nga luôn khiến khán giả xúc động với những câu chuyện của cuộc đời người lính, những khát vọng về tình yêu nồng cháy cho đến những số phận con người vì đau thương mà đứng dậy!
Top 10 phim điện ảnh Nga đặc sắc nhất dưới đây là ý kiến chủ quan của Blog Văn học Điện ảnh và không sắp xếp theo thứ tự về mức độ hay của các tác phẩm. Chúc quý độc giả tìm được những bộ phim hay và ý nghĩa cho riêng mình!
Bài Ca Người Lính (1959)
Lòng yêu nước của những người lính Nga luôn là ngọn lửa bất diệt, không gì có thể dập tắt được. Và người lính trong phim Bài Ca Người Lính cũng vậy. Alyosha là một người lính trẻ của Hồng Quân Liên Xô trong Thế Chiến 2. Trong một lần lập công, Alyosha được trao tặng huân chương. Nhưng anh đã đánh đổi tấm huân chương bằng một chuyến nghỉ phép được về quê thăm mẹ.
Con đường về nhà đã để lại cho Alyosha những trải nghiệm mà cả đời anh không thể quên khi chứng kiến cảnh tang thương của người dân trong thời chiến. Đồng thời, chuyến đi đã giúp anh gặp được người con gái định mệnh của đời mình.
Bộ phim không khỏi làm khán giả phải bùi ngùi, phải suy ngẫm: Chiến tranh, dù đúng hay sai, dù thắng hay thua, thì những đau thương mà nó gây ra sẽ mãi là một vết sẹo. Với ý nghĩa nhân văn mà tác phẩm đem lại. Bộ phim đã nhận được tổng 107 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó tiêu biểu nhất có đề cử giải Oscar cho kịch bản hay nhất năm 1962, đề cử giải Cành cọ vàng Cannes năm 1960…
Khi Đàn Sếu Bay Qua (1957)
Khi Đàn Sếu Bay Qua là bộ phim xứng đáng nằm trong top 10 phim điện ảnh Nga đặc sắc nhất, năm 2008, bộ phim đã được hiệp hội phê bình Nga đánh giá là phim hay nhất trong 50 năm thời kỳ đầu của điện ảnh Nga.. Phim kể về cuộc đời đầy biến cố của một cô gái trẻ trong những tháng ngày Liên Xô bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.
Hai nhân vật chính Boris và Veronica đã có một chuyện tình hạnh phúc. Nhưng rồi chiến tranh ập đến, Boris đã đi theo tiếng gọi của nghĩa vụ và trở thành một chiến sĩ. Đáng tiếc là, trong cuộc chiến này, Boris lại hy sinh khi đang giúp đồng đội thoát khỏi đầm lầy.
Cả gia đình của Boris và Veronica đều không biết về cái chết của anh. Veronica mỗi ngày đều trông ngóng tin tức về Boris. Điều tồi tệ hơn là cô đã bị Mark – người đàn ông thầm thích cô từ lâu hãm hiếp khi cả 2 đang trốn quân Đức. Giờ đây, Veronica phải lựa chọn ra sao? Cô sẽ đồng ý kết hôn với người mà mình không có tình cảm hay tiếp tục chờ Boris trong vô vọng?
Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh (1972)
Đây là tác phẩm phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của tác giả Boris Vasilyev. Bộ phim tái hiện lại cảnh những con người Liên Xô những năm 1942 đã đứng lên bảo vệ đất nước, đã hy sinh anh dũng trước cuộc xâm lược của quân đội Đức Quốc Xã. Phiên bản phim năm 1972 đã từng được Việt Nam phát sóng trên truyền hình, trở thành một bộ phim Nga kinh điển đối với khán giả Việt một thời.
Bộ phim kể về một vùng hậu phương cách xa tiền tuyến, khi sĩ quan Vaskov chỉ huy một tiểu đội toàn nữ ở hậu phương nhằm bảo vệ vùng trời Karelia. Dưới cánh rừng xanh tốt, nơi mà mỗi buổi bình minh đều yên tĩnh và thanh bình. Cho đến một ngày, tiểu đội đối mặt với một toán trinh sát gồm 16 tên phát xít Đức. Trước kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân, nhiều kinh nghiệm và cực kỳ hung hãn, cộng với sự khắc nghiệt của cánh rừng già, Vaskov và những cô gái phải gian khổ anh dũng chiến đấu vì nước Nga, máu sẽ đổ, nước mắt cũng sẽ rơi, nhưng những chiến sĩ vệ quốc vẫn sẽ sống mãi trong lòng những người Nga – Xô Viết và cả những khán giả!
Họ Đã Chiến Đấu Vì Tổ Quốc (1975)
Sứ mệnh cao cả nhất của một chiến sĩ đó là chiến đấu, những người lính trong bộ phim này vẫn luôn khắc ghi sứ mệnh lớn lao đó trong lòng. Trong một lần đối đầu với một đội quân Đức, các chiến sĩ Hồng Quân đã phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhằm chiếm lấy địa lợi về quân sự cho quân đội mình.
Đây là tác phẩm có thể khiến nhiều khán giả phải rơi nước mắt khi phải lần lượt chứng kiến từ sự hy sinh này đến sự hy sinh khác. Dù vậy, tinh thần yêu nước cháy bỏng vẫn không hề vơi bớt trong tim của những người chiến sĩ trên chiến trường khỏi lửa.
Thời Thơ Ấu Của Ivan (1962)
Thời Thơ Ấu Của IVan là tác phẩm lấy bối cảnh Thế Chiến 2, nội dung kể về hành trình quân đội Liên Xô chiến đấu chống lại quân phát xít Đức xâm lược. Phim xoay quanh cậu bé 12 tuổi Ivan trong hành trình vượt qua muôn vàn chông gai, vừa phải tìm cách thoát khỏi sự truy đuổi của quân Đức, vừa tìm cách để minh chứng thân phận “Số 51” của mình.
Sau khi may mắn trốn thoát và quyết định tham gia đội du kích. Trong đội du kích này, cậu đã nung nấu ý chí sẽ gia nhập chiến đấu ở tiền tuyến để trả thù cho gia đình.
Moskva Không Tin Những Giọt Nước Mắt (1980)
Một tác phẩm có phần lãng mạn của đạo diễn Vladimir Menshov, bộ phim ra mắt năm 1979 và giành giải Oscar cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Ngay trong năm đầu công chiếu bộ phim, đã có 85 triệu người ở Liên Xô đến rạp thưởng thức tác phẩm. Hơn 100 quốc gia đã mua bản quyền, ở Hoa Kỳ, bộ phim đã chiếm ngôi đầu bảng về doanh thu: Được mua với giá 50.000 USD, trong vòng một năm nó đã mang về 2,5 triệu tiền vé – một con số rất lớn lúc bấy giờ.
Nội dung phim kể về 3 cô gái, từ tỉnh lẻ lên Moskva lập nghiệp vào cuối thập niên 1950. Mỗi người một số phận, tuỳ theo cá tính của mình. Antonina bằng lòng với nghề thợ sơn, cô yêu và kết hôn với anh công nhân người Moskva làm cùng công trường, sống cuộc đời bình dị. Ludmila, ngược lại, coi cuộc sống ở Moskva là một ván bài, nơi có thể gặp may mắn lấy được một người giàu có, và cô ấy sẵn sàng làm mọi thứ để có điều đó. Người chồng của cô là một cầu thủ khúc côn cầu nổi tiếng, vốn hiền lành, nhưng sau đó đã đổ đốn vì rượu chè.
Nhân vật trung tâm của phim là Katerina, một cô gái đầy chí tiến thủ, vừa làm thợ máy vừa học để thi vào đại học. Katerina bị người yêu mình phụ tình, cô đã một mình nuôi con, vừa làm vừa học. Hai mươi năm sau, anh người yêu cũ vẫn làm nghề quay phim truyền hình và thất bại trong cuộc sống gia đình, một lần đi làm phóng sự tình cờ gặp lại cô, lúc này đã là một phụ nữ thành đạt, sống với cô con gái Aleksandra đã là thiếu nữ trưởng thành. Lần này đến lượt Katerina từ chối lời cầu xin của anh ta, bởi cô đã tìm được cuộc sống đích thực của mình…
Chặng Đường Thử Thách (1986)
Cốt truyện phim diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Xô – Đức 1942. Lúc này, quân phát xít Đức đang thắng thế; nhiều nhà ga, bến xe, kho lương… đều thuộc kiểm soát của quân đội Đức.
Đồng thời lúc này, một lính Hồng Quân tên là Lazarev đang cùng các chiến hữu thực hiện nhiệm vụ đánh cướp một con tàu chở thực phẩm của quân Đức. Tuy vậy, nhiệm vụ diễn ra không mấy suôn sẻ, và có nguy cơ phải tay trắng trở về. Lazarev trong quá khứ từng có một lần bị bắt làm tù binh và phải hợp tác với chúng để có thể sống sót. Do đó, sau khi trở về, anh không được sự tin tưởng và tôn trọng từ đồng đội, đó cũng là nỗi day dứt trong lòng anh.
Cuối cùng, Lazarev đã có một quyết định táo bạo. Anh chấp nhận hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ của cả đội. Sống chết lúc này đối với anh không quan trọng nữa. Mà điều quan trọng là anh đã hoàn thành trách nhiệm của một người lính; cũng là giải thoát chính anh khỏi sợi dây đã ràng buộc bấy lâu nay.
Chiến Tranh Và Hòa Bình (1965)
Một trong top 10 phim điện ảnh Nga đặc sắc nhất là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn nổi tiếng lẫy lừng Lev Tolstoy. Bộ phim xoay quanh cuộc đời của 3 nhân vật chính Pierre, Natasha và Andrei.
Tác phẩm lấy bối cảnh trận chiến Moscow lịch sử với cuộc đối đầu với quân đội Pháp do hoàng đế Napoleon dẫn đầu. Ba con người thuộc ba tầng lớp khác nhau trong xã hội. Họ đã sống, lựa chọn và theo đuổi những lý tưởng và tình yêu theo những cách riêng của mình.
Phim như một bức tranh lịch sử phản ánh chân thực bối cảnh xã hội Nga thời bấy giờ. Vào năm 1969, bộ phim Chiến Tranh Và Hòa Bình đã nhận được giải thưởng đặc biệt FIPRESCI tại Liên hoan phim Cannes, giải thưởng danh dự tại Liên hoan phim quốc tế Venice, giải Quả cầu vàng và Oscar cho phim nước ngoài hay nhất.
Andrei Rublev (1966)
Andrei Rublev được coi là một trong những bộ phim nổi danh của đạo diễn Andrei Tarkovsky, phim mang màu sắc chủ nghĩa hiện sinh và gây nhiều tranh cãi.
Chủ đề phim liên quan đến tôn giáo và mơ hồ chính trị nên ngoài một buổi chiếu duy nhất tại Moscow, chỉ một phiên bản đã cắt xén được chiếu tại Liên Xô năm 1971, sau đó có một số bản đã cắt xén khác. Phải đến năm 1987 bộ phim mới được chiếu chính thức trở lại. Tuy vậy, phim được hoan nghênh tại nhiều nước khác, nhận Giải thưởng FIPRESCI tại Liên hoan phim Cannes 1969, giải Leon Moussinac năm 1970 của các nhà phê bình phim của Pháp cho phim nước ngoài hay nhất, Viện Hàn lâm Pháp trao giải cho nữ diễn viên Irma Rausch là Nữ diễn viên nước ngoài hay nhất vào năm 1970 và một số giải thưởng khác.
Bộ phim dựa trên cuộc đời của Andrey Rublyov, họa sĩ Nga vĩ đại thế kỷ XV. Andrei chuyên vẽ tranh thánh cho các nhà thờ Chính Thống Giáo ở Nga, anh sống và phục vụ trong một tu viện nhỏ, trong lần tình cờ, Kirill – bạn của anh gặp được một họa sĩ tiền bối danh tiếng và được đề nghị theo ông ấy hoàn thành các bức tranh trong các nhà thờ theo yêu cầu của đại hoàng tử Nga, nhưng sứ giả đã nhầm lẫn khi mời Andrei chứ không phải Kirill.
Phim nằm trong top 100 tác phẩm điện ảnh hay nhất của điện ảnh thế giới theo bình chọn của tạp chí Empire năm 2010.
Người Thợ Cạo Sibir (1998)
Cốt truyện phim kể về mối tình lãng mạn, nhưng cũng trải qua nhiều thử thách giữa cô gái Mỹ – Jane Callahan và anh chàng người Nga – Tolstoy. Phim cũng chỉ ra những góc khuất của xã hội Nga thời kỳ Sa hoàng Aleksandr III cuối thế kỷ XIX.
Bộ phim được chọn là một trong mười phim cảm động nhất lịch sử Điện ảnh Nga – theo kết quả thăm dò của Izvestia, phim cũng được đề cử cho hạng mục Đội ngũ đạo diễn xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar (1998) và trở thành bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes (1999).
Xem thêm: Top 10 tác phẩm văn học Nga đặc sắc nhất