Top 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

"Chuyện tào lao"
những tướng mạnh nhất tam quốc

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quan Trung có rất nhiều mãnh tướng có “sức địch muôn người”, vậy thì những mãnh tướng nào có võ nghệ và sức mạnh xếp hàng đầu trong cuốn tiểu thuyết dã sử này? Hãy cùng Blog Văn học Điện ảnh xếp hạng 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa qua bài viết sau đây.

1. Lã Bố

Lữ Bố

Lã Bố, hay còn được gọi là Lữ Bố, tên tự là Phụng Tiên rất xứng đáng xếp hạng 1 trong danh sách. Sức mạnh của ông là điều không cần bàn cãi. Bằng chứng là ngay cả Quan Vũ và Trương Phi liên thủ cũng không hạ nổi ông, khi có thêm Lưu Bị tham chiến thì ông vẫn có thể rút lui an toàn. Một mình ông cũng có thể thoát khỏi sự truy kích của 6 tướng Tào là Điển Vi, Hứa Chử, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Lý Điển, Nhạc Tiến.

2. Triệu Vân

danh tướng Triệu Vân
Thường Sơn Triệu Tử Long – 1 trong 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Triệu Vân, tự là Tử Long, đứng ở vị trí thứ 2. Triệu Vân từng nổi danh nhất trong trận Trường Bản khi có thể cứu con của Lưu Bị thoát khỏi sự truy sát của hàng vạn quân Tào. Ông cũng từng giao đấu bất phân thắng bại trước nhiều danh tướng khác như Hứa Chử, Văn Xú; đâm chết danh tướng Cao Lãm; từng khiến Trương Cáp, Từ Hoảng kinh sợ không dám giao chiến…

3. Điển Vi

Điển Vi tam quốc 1994

Điển Vi là 1 trong 2 cận vệ cực kỳ khoẻ mạnh của Tào Tháo (bên cạnh Hứa Chử). Ông nhiều lần xông vào nơi mũi tên hòn đạn cứu mạng Tào Tháo. Nếu như Lã Bố được đánh giá là chiến thần trên lưng ngựa, thì ông cũng là một “quái vật” khi đánh bộ, bởi vậy trong nhân gian mới lưu truyền câu nói: “Kỵ chiến nhìn Lã Bố, bộ chiến nhìn Điển Vi”.

4. Quan Vũ

Quan Vân Trường

Quan Vũ, hay Quan Công, tự là Vân Trường, là một nhân vật được nhiều người coi là “võ thánh” trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Chiến tích của ông rất nhiều, như chém Hoa Hùng, qua 5 ải chém 6 tướng, đơn đao phó hội bên Đông Ngô, giao chiến bất phân cao thấp với Hoàng Trung… nhưng đặc biệt nhất là chiến công chém Nhan Lương và Văn Xú, hai viên tướng mạnh nhất của lực lượng Viên Thiệu.

5. Mã Siêu

Ma Chao

Xếp ở vị trí thứ 5 trong danh sách 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa là Mã Siêu, ông có tên tự là Mạnh Khởi, ông thường được so sánh với Lã Bố vì cùng có lối đánh thần tốc trên lưng ngựa và tài bắn cung siêu đẳng. Ông từng có 2 trận giao đấu kinh điển trước 2 mãnh tướng là Trương Phi và Hứa Chử.

6. Trương Phi

Trương Phi

Trương Phi, tự Dực Đức là mãnh tướng đứng ở vị trí thứ 6. Ông được Quan Vũ – một người rất kiêu ngạo khen rằng “có thể lấy đầu thượng tướng giữa vạn quân dễ như lấy đồ trong túi”. Chiến tích của ông rất nhiều như đơn đả độc đấu trăm hiệp với Lã Bố, đại náo cầu Trường Bản, đâm chết Kỷ Linh trong 10 hiệp đấu (trong khi Quan Vũ trong 30 hiệp chưa hạ được viên tướng này), giao đấu với Mã Siêu, Trương Cáp, đâm bị thương Hứa Chử (say rượu), đánh bại Cao Thuận…

7. Hoàng Trung

Hoàng Trung

Hoàng Trung, tên tự là Hán Thăng, là một trong ngũ hổ tướng nhà Thục. Ông lập được nhiều chiến công cho nhà Thục Hán nhưng nổi danh nhất là chiến tích chém chết danh tướng Hạ Hầu Uyên. Ở tuổi 60, ông có thể đánh ngang tay với Quan Vũ. Như vậy, nếu còn trẻ, Hoàng Trung có thể sẽ còn mạnh hơn.

8. Hứa Chử

Hứa Chử

Xếp thứ 8 là Hứa Chử, tên tự Trọng Khang, ông thường được gọi là “hổ hầu”, nổi danh với sức khoẻ “kinh người”. Ông lập được rất nhiều chiến công cho nhà Tào Nguỵ, như là ông từng chém hàng chục tướng trong 1 trận đánh với lực lượng Viên Thiệu, từng giao đấu bất phân thắng bại với nhiều danh tướng khác như Điển Vi, Mã Siêu, Triệu Vân, từng cưỡi ngựa chưa đóng yên đánh nhau với Trương Phi, từng đánh đồng cân với cả Lăng Thống và Chu Thái, từng đơn đả độc đấu với Lã Bố 20 hiệp (sau đó Điển Vi, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Nhạc Tiến, Lý Điển trợ chiến cùng ông đánh lui Lã Bố).

9. Tôn Sách

20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tôn Sách, tên tự là Bá Phù, ông được mệnh danh là “tiểu bá vương” (nhằm so sánh với Tây Sở bá vương Hạng Vũ năm xưa). Tôn Sách có tài võ nghệ, giỏi bắn cung, sức khoẻ hơn người (ông từng muốn bắt sống nhưng vô tình bóp chết kẻ địch). Ông từng giao đấu bất phân thắng bại với Thái Sử Từ.

10. Thái Sử Từ

Thái Sử Từ đệ nhất cung thủ thời Tam Quốc

Thái Sử Từ xếp thứ 10 trong danh sách, ông là danh tướng nhà Đông Ngô, ông là người tráng kiện, giỏi bắn cung và võ nghệ. Võ lực của ông được thể hiện rõ nhất trong chiến tích cứu Khổng Dung, từng giao đấu bất phân thắng bại với Tôn Sách và Trương Liêu.

11. Bàng Đức

20 mãnh tướng mạnh nhất tam quốc diễn nghĩa

Bàng Đức là một chiến binh Tây Lương – sau này quy hàng Tào Tháo. Ông là mãnh tướng duy nhất thuộc nhà Tào Nguỵ giao đấu với “võ thánh” Quan Vũ đến 100 hiệp bất phân thắng bại. Nhưng ở lần giao đấu tiếp theo, sau khi đấu tiếp khoảng 30 hiệp chưa hạ được Quan Vũ, ông đã giả thua chạy và bắn lại 1 mũi tên khiến Quan Vũ trọng thương.

12. Nhan Lương

20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Vị trí thứ 12 thuộc về Nhan Lương – một viên mãnh tướng của Viên Thiệu – người từng đánh bại Từ Hoảng chỉ sau 20 hiệp trong trận Bạch Thủy. Tuy nhiên, vì một chút chủ quan và không lường trước được tốc độ của ngựa Xích Thố, ông đã bị Quan Vũ đoạt mạng.

13. Văn Sú

Top 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Văn Sú cùng với Nhan Lương, là 2 viên mãnh tướng mạnh nhất của Viên Thiệu, cả 2 đã lập được nhiều chiến công cho lãnh chúa họ Viên. Võ nghệ của Văn Sú rất giỏi, ông từng đánh cân sức với Triệu Vân. Ông cũng từng khiến cả Trương Liêu và Từ Hoảng khốn đốn, nhưng khi có thêm sự hỗ trợ của Quan Vũ, ông đã thấy núng thế quay ngựa chạy, và cái kết của Văn Sú cũng giống Nhan Lương, ông bị ngựa Xích Thố đuổi kịp rồi bị Quan Vũ chém ngã từ phía sau.

14. Trương Liêu

Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Trương Liêu, tên tự là Văn Viễn, ông là mãnh tướng toàn diện nhất trong lực lượng Tào Nguỵ. Xét riêng về võ lực, ông được Quan Vũ nể trọng khi cho rằng võ nghệ của ông không thua kém Quan Vũ và Trương Phi. Ông cũng có những trận giao đấu cân tài cân sức với những mãnh tướng hàng đầu khác như Hạ Hầu Đôn và Thái Sử Từ.

15. Trương Cáp

Trương Hợp

Xếp thứ 15 là Trương Cáp, còn gọi là Trương Hợp, tên tự là Tuấn Nghệ. Trương Cáp cùng với Nhan Lương, Văn Sú và Cao Lãm được xếp vào hàng ‘Hà Bắc Tứ Đình Trụ’ trong lực lượng Viên Thiệu. Võ nghệ của Trương Cáp không hề tầm thường, nhưng ông thường “để dành đường lui cho bản thân” trong những trận giao đấu với những tướng mạnh khác như Triệu Vân và Mã Siêu. Tuy nhiên, nếu bị đẩy vào thế buộc phải chiến đấu, khả năng chiến đấu của Trương Cáp không thể xem thường. Trong trận Ba Tây, khi trở thành thống soái một đại quân, ông đã không ngần ngại mà giao thủ với Trương Phi đến gần trăm hiệp đấu. Sau này khi cùng Tư Mã Ý đối đầu với quân đội của Gia Cát Lượng, ông đã có trận “tả đột hữu xông” và rút lui an toàn trước hàng vạn quân Thục, khiến Gia Cát Lượng phải e ngại.

16. Hạ Hầu Đôn

Hạ Hầu Đôn

Hạ Hầu Đôn có tên tự là Nguyên Nhượng – ông là anh em họ hàng với Tào Tháo, ông đi theo Tào Tháo từ khi khởi nghiệp, lập được rất nhiều chiến công, nhiều lần ông đem quân cứu nguy cho Tào Tháo. Ông có tính tình nóng nảy, nên về sau này thường thua trận khi nắm đại quân, nhưng ông giỏi trong việc quản lý và dẹp loạn nơi hậu phương cho Tào Tháo. Xét về võ lực, Hạ Hầu Đôn có thể sống sót và rút lui an toàn sau vài chục hiệp đấu với mãnh tướng xếp số 1 trong danh sách này – Lã Bố. Ông cũng từng có những trận giao đấu bất phân thắng bại với những danh tướng khác là Triệu Vân, Quan Vũ và Trương Liêu; ông từng đánh lui Cao Thuận sau 50, 60 hiệp giao đấu…

17. Quan Bình

20 tướng mạnh nhất tam quốc diễn nghĩa

Quan Bình – con nuôi của Quan Vũ – ông xứng đáng xếp thứ 17 trong danh sách 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa. Lúc mới xuất hiện, Quan Bình chưa có nhiều thành tích đáng kể, nhưng sau khi đi theo Quan Vũ chinh chiến nhiều năm, võ lực của Quan Bình đã tiến bộ vượt bậc, khi cùng Quan Vũ tiến công nhà Nguỵ, Quan Bình từng giao đấu 30 hiệp với Bàng Đức mà không hề thua kém, đúng là “hổ phụ đã rèn ra hổ tử”.

18. Văn Ương

top 20 mãnh tướng mạnh nhất tam quốc diễn nghĩa

Văn Ương, tên tự Thứ Khiên, là người huyện Tiếu, nước Bái, là tướng lĩnh cuối thời Tam Quốc, đầu thời Tây Tấn. Ông là con trai của Dương Châu thứ sử, Tiền tướng quân Văn Khâm, ông cùng cha mình giữ Dương Châu chống lại quân Ngô. Gia đình Văn Ương là đồng hương của họ Tào, rất được đại tướng quân Tào Sảng yêu mến. Trong một chiến dịch khi Tư Mã Sư phái 8000 tinh binh tấn công cha con họ Văn, Văn Ương khi ấy mới 18 tuổi nhưng không tỏ ra nao núng. Ông cùng Đặng Ngải đã đơn đả độc đấu vài chục hiệp không phân thắng bại, sau đó ông một tay thương, một tay roi sắt, đón đánh quân đội của Tư Mã Sư, sát thương hơn trăm người, vừa đánh vừa lui, không ai dám lại gần.

19. Khương Duy

Khương Duy văn võ song toàn

Khương Duy, tự là Bá Ước, xếp ở vị trí thứ 19 trong top 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ông là người kế tục mọi tinh hoa binh pháp của Gia Cát Lượng, nhưng về võ nghệ, ông có tài đánh thương, Khương Duy từng làm khó một Triệu Vân đã già, Triệu Vân đã phải khen rằng: “Khương Duy sử thương giỏi lắm, không hở miếng nào”. Bằng thương pháp và thân thủ phi phàm, Khương Duy đã nhiều lần tiêu diệt tướng giặc khi đối đầu với quân đội nhà Nguỵ, ông cũng từng giao đấu bất phân thắng bại với Đặng Ngải.

20. Đặng Ngải

Đặng Ngải văn võ song toàn

Đặng Ngải là danh tướng cuối thời Tam Quốc – là người thông thạo binh pháp và có đao pháp xuất chúng. Đặng Ngải từng đọ sức với những mãnh tướng nổi danh khác như Khương Duy và Văn Ương, những trận đấu này đều bất phân thắng bại.

Trên đây là 20 mãnh tướng mạnh nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa theo quan điểm cá nhân của Blog Văn học Điện ảnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số võ tướng khác như Nguỵ Diên, Cam Ninh, Từ Hoảng, Trương Nhiệm, Tào Chương hay Vương Song… cũng rất mạnh và xứng đáng lọt vào danh sách.


Xem thêm: Top 10 vị tướng văn võ song toàn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!