Nếu The Admiral: Roaring Currents (Đại thuỷ chiến) được coi là bộ phim bom tấn sử thi đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh xứ kim chi, khi có số người xem nhiều nhất và doanh thu lớn nhất mọi thời đại ở Hàn Quốc. Parasite (Ký sinh trùng) trở thành niềm tự hào khi là bộ phim Hàn đầu tiên giành giải Cành cọ vàng (giải thưởng lớn nhất tại liên hoan phim Cannes). Thì The Man From Nowhere (tựa Việt: Người vô danh tính, sản xuất năm 2010) cũng trở thành đỉnh cao phim hành động Châu Á mà cho đến nay, điện ảnh Châu Á vẫn chưa có bộ phim hành động nào vượt qua.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Giới thiệu phim The Man From Nowhere
Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của Cha Tae-sik – một cựu đặc vụ xuất sắc của Cục tình báo Hàn Quốc, sau vụ trả thù của băng đảng tội phạm dẫn đến vợ và đứa con đang trong bụng mẹ mãi mãi rời xa anh, anh nghỉ việc và sống thầm lặng qua ngày dưới nhân dạng một chủ tiệm cầm đồ nhỏ. Người duy nhất anh tiếp xúc là cô bé hàng xóm So-mi, 10 tuổi, đứa con gái của một gái nhảy nghiện ma tuý sống cùng khu phố, biến cố ập đến khi mẹ So-mi ăn cắp số ma tuý và phá hỏng phi vụ làm ăn của ông trùm Oh Myung-gyu, khiến những kẻ đứng sau đường dây này bắt cóc cả hai mẹ con cô. Cha Tae-sik buộc phải lao vào nguy hiểm để giải cứu So-mi – ánh nắng ấm áp duy nhất sưởi ấm trái tim anh lúc này, trong hành trình đó, anh phải đối mặt với tổ chức tội phạm buôn ma tuý và nội tạng người vô cùng nguy hiểm…
Cốt truyện không mới, nhưng vẫn “cuốn” lạ thường nhờ cách kể chuyện bậc thầy
Câu chuyện về một cao thủ đã “gác kiếm”, vì một lý do nào đó mà phải lần nữa để bàn tay nhuốm máu đã không còn xa lạ gì với khán giả hiện nay, trước đây ta có Taken, sau này ta có John Wick và Nobody… Tuy nhiên, với cách kể chuyện đầy cảm xúc về cuộc đời của những số phận bị bỏ rơi, với những pha hành động chân thực và mãnh liệt, đã đem đến trải nghiệm điện ảnh khác biệt mà hiếm có bộ phim hành động nào của Hollywood có được.
The Man From Nowhere kể câu chuyện một cách trực diện cho khán giả thấy một tình bạn lạ kỳ, giữa người đàn ông bí ẩn Cha Tae Sik, sống lặng lẽ trong một tiệm cầm đồ nhỏ, bị bao phủ bởi những “bóng ma” quá khứ đầy u ám. Người duy nhất anh nói chuyện hàng ngày là cô bé So-mi. Nhân vật chính bề ngoài thường tỏ ra lãnh đạm khi So-mi xuất hiện, bởi đó là một cô bé nghịch ngợm. Nhưng bên trong, anh luôn dành cho So-mi sự quan tâm đặc biệt. Như cái cách anh mua xúc xích và mời So-mi ở lại ăn cơm cùng mình (anh có ý mời bằng cách để xúc xích trước mặt So-mi và để cô bé mở lời trước), như cách anh giải thích cho cô bé ở cảnh cuối phim rằng: “Khi người ta quá muốn để thân thiết với ai đó, người ta thường giả vờ xa cách người đó”.
Bên cạnh những khoảnh khắc nhẹ nhàng sâu lắng của hai nhân vật chính ở đầu phim, khán cũng lờ mờ nhận ra một trận chiến khủng khiếp chuẩn bị xảy đến khi ở một diễn biến khác, đạo diễn Lee Jung-beom khắc họa chân dung những tên tội phạm buôn ma tuý và nội tạng bằng những phân cảnh tàn bạo lạnh sống lưng.
Bộ phim khai thác chủ đề về tội phạm buôn bán nội tạng, một trong những vấn nạn gây nhức nhối bậc nhất với xã hội Hàn Quốc thời điểm đó. Thống kê thời điểm đó cho thấy, mỗi năm Hàn Quốc có khoảng gần 30.000 người cần cấy ghép nội tạng, trong khi số lượng nội tạng hợp pháp được cung cấp chỉ chưa tới 1/10. Rất nhiều người đã chọn giải pháp bán nội tạng để giải quyết những vấn đề liên quan tới cuộc sống. Và từ đó, các tổ chức tội phạm đã không bỏ qua cơ hội kiếm những khoản tiền khổng lồ, bằng cách “đánh cắp trái tim” bất cứ ai mà chúng có cơ hội, trong đó nạn nhân phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Một trong những điều tạo nên sự khác biệt của điện ảnh Hàn so với phần còn lại chính là cách khắc họa chân dung nhân vật. Cũng với mô-típ một mình “cân team”, người ta thấy Bryan Mills (phim Taken) có hẳn một bài diễn văn để quảng cáo CV nhằm dọa nạt những kẻ bắt cóc con gái mình, người ta cũng thấy một John Wick (phim John Wick) đã được miêu tả từ khá sớm rằng “hắn giết người chỉ bằng cây viết chì”. Cha Tae Sik thì không như vậy, cảnh sát không thể có thông tin gì về anh, đám tội phạm vẫn cười đểu gọi anh là ‘thằng cầm đồ”.
Nhưng từng chút một, chân dung của “thằng cầm đồ” dần hiện ra là một “cao thủ ẩn mình” với lời miêu tả của một gã sát thủ: “Hắn không chớp mắt khi tao bóp cò súng” hay “hắn quá nhanh, tao còn không kịp thấy tay hắn”.
Tính chân thực trong từng cảnh hành động
The Man From Nowhere được đánh giá cao nhờ những pha đối kháng khốc liệt, kịch tính và “nhiều máu”, góp phần làm cho không khí căng thẳng leo thang khiến khán giả nổi da gà. Trong The Man From Nowhere, người ta không thấy những cảnh chiến đấu được biên đạo đề cao tính thẩm mỹ như của điện ảnh Hồng Kông hay Trung Quốc. Cũng không thấy một “siêu chiến binh cầm khiên” lao thẳng vào đội hình đầy súng ống của địch như chỗ không người như phim của Marvel.
Những cảnh hành động của The Man From Nowhere chỉ đơn giản là vô cùng trần trụi và dữ dội, mỗi cảnh chiến đấu đều rất tự nhiên xuất phát từ việc bảo vệ bản thân theo phản xạ của cơ thể, thay vì những pha võ thuật khoa trương, vì vậy biên đạo võ thuật đã chọn những môn võ mang tính thực chiến như Silat, Hapkido hay Arnis… Mỗi động tác chiến đấu trong phim đều đòi hỏi sự mạnh mẽ, kỷ luật.
Nam diễn viên Won Bin đã phải dành thời gian xem cảnh chiến đấu của các võ sĩ sau đó học theo động tác suốt 4 tháng trời để diễn xuất tự nhiên, uyển chuyển hơn, riêng cảnh nhân vật Cha Tae-sik nhảy khỏi cửa sổ toà nhà để trốn thoát đã phải quay đi quay lại nhiều lần với camera chạy ngay sau lưng nhân vật. Cắt cảnh của bộ phim rất sắc bén và dồn dập theo cơn thịnh nộ ngày càng phát triển của nhân vật chính, cắt cảnh nhiều nhưng không vì thế mà có sự cẩu thả trong đó, mỗi lần cắt cảnh đều có toan tính cẩn thận, mỗi lần cắt cảnh là mỗi cú thọc vào yết hầu hay từng nhát dao xé toạc động mạch chủ, mang lại cảm giác gay cấn, dữ dội.
Diễn xuất đỉnh cao của Won Bin
Đây là bộ phim hành động đầu tay của đạo diễn Lee Jeong-beom, hợp tác cùng nam tài tử của Trái tim mùa thu – Won Bin. Không quá khi nói rằng giai đoạn tham gia The Man From Nowhere chính là đỉnh cao trong sự nghiệp của nam diễn viên, số lượng dự án anh tham gia không quá nhiều nhưng thực sự chất lượng. Với diễn xuất tài tình của Won Bin và diễn viên nhí Kim Sae Ron, tình bạn giữa Cha Tae-sik và So-mi dù diễn ra trong bối cảnh đầy bi kịch, vẫn đem lại cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng và xúc động. Có rất nhiều khoảnh khắc đôi mắt của Won bin trong phim cho khán giả biết nhiều hơn cả những câu thoại, người xem có thể thấy cả nỗi đau, cơn giận dữ và cả niềm hạnh phúc trong đôi mắt biết nói ấy.
Với admin thì có 2 cảnh diễn xuất của Won Bin “đỉnh của chóp” nhất. Cảnh thứ nhất là cảnh gia đình Cha Tae-sik bị kẻ thù ám sát, bản thân anh ta bị 2 phát súng, vợ và đứa con trong bụng mẹ thì bị nghiền nát trong chiếc xe ô tô, phân cảnh này bất kỳ khán giả nào cũng thấy rất rõ nỗi đau trong đôi mắt Cha Tae-sik, nỗi đau đó không phải từ 2 phát súng, đó là nỗi đau vì phải rời xa 2 tình yêu của cuộc đời anh. Cảnh thứ hai là cảnh nhân vật chính đứng cắt tóc trước gương với đôi mắt đầy lửa hận thù, một cảnh phim mang tính bước ngoặt cho cả cốt truyện, khi nhân vật chính quyết định lật ngược tình thế, rũ bỏ lớp vỏ bọc để trở lại là con người anh đã che dấu từ lâu!
Ngoài ra, nhạc phim The Man From Nowhere cũng cực kỳ ấn tượng với những bản nhạc nêu bật được tinh thần của bộ phim, tinh thần của từng phân cảnh. Trong những cảnh hành động dồn dập, người xem cũng rùng mình theo khi bản nhạc The Last Bullet văng vẳng bên tai. Những đoạn hội thoại cảm xúc giữa hai nhân vật chính cũng chạm vào tâm can khán giả nhiều hơn khi bản nhạc Ajussi vang lên. Và rồi đến kết phim với bản nhạc Dear – Mad Soul Child, âm thanh đầy xúc động của bản nhạc này đã du dương trong đầu mình hàng tiếng đồng hồ dù phim đã kết thúc!
Một chi tiết rất thú vị mà admin ko nêu ra đó là tên sát thủ đã cứu mạng bé so-mi, chi tiết này nhân vật chính và chính bản thân cô bé cũng ko biết.
đúng rồi bạn, chi tiết khá đắt giá, một tên sát thủ máu lạnh nhưng vì cái băng keo của bé So-mi mà phần nào đó hoàn lương. Tên này cũng rất quân tử khi chọn đấu tay đôi với nam chính mà ko dùng súng.