Nhà giả kim (tựa tiếng Anh: The Alchemist) là một trong những cuốn sách hay nhất của tác giả Paulo Coelho, là tác phẩm vượt tầm thời đại, được mệnh danh là cuốn sách bán chạy chỉ sau kinh thánh, là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới với nhiều thông điệp đáng nhớ. Dưới đây là “5 bài học ý nghĩa từ cuốn Nhà Giả Kim” theo quan điểm cá nhân của Blog Văn học Điện ảnh nhé!
Biết tận hưởng từng phút giây của cuộc sống
“Nếu ta cảm thấy ngày qua ngày đều lặp lại với những sự việc giống nhau, thì đó là do ta không nhận ra được những điều kỳ diệu và tốt đẹp đang diễn ra xung quanh mình”.
Cuộc đời là một hành trình dài, có thể ta thấy có những ngày tưởng như mờ nhạt vì chẳng có gì đáng nhớ, nhưng đó đều là những ngày mà ta có thể tìm được điều gì đó tốt đẹp, mỗi ngày đều là một sợi vải dệt lên hành trình cuộc đời, nếu ta biết cách nhìn nhận với lòng biết ơn.
Sự tẻ nhạt chỉ xuất hiện nếu ta nhìn cuộc sống qua một lăng kính u tối, nhưng nếu ta bỏ lăng kính đó xuống, ta mở lòng đón nhận với lòng biết ơn thì mỗi ngày trôi qua đều sẽ tràn đầy màu sắc. Bởi vì… “nét đẹp không ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”
Hãy luôn có một tinh thần cầu tiến
“Đó là công việc của những nhà giả kim. Họ chứng minh rằng, mỗi một việc làm tốt hơn, dù là nhỏ nhất, đều sẽ làm mọi thứ xung quanh trở nên tốt đẹp hơn”.
Sự phát triển của mỗi cá nhân cũng giống như lý thuyết domino, mỗi một điều tốt đẹp nho nhỏ đều sẽ tạo nên một chuỗi những điều tốt đẹp khác. Đó là thông điệp Nhà Giả Kim truyển tải, một lời nhắn nhủ về tầm quan trọng của việc không ngừng nỗ lực học hỏi và phát triển.
Tự tin vào chính mình
Cuốn Nhà Giả Kim truyền đạt thông điệp rằng, mỗi người đều có sứ mệnh riêng của mình, đừng vì những lời nói của người đời làm ta xao nhãng, hãy cứ tự tin bước tiếp, tự tin cầm lái cuộc đời bạn.
Trong cuộc sống chúng ta cần lắng nghe và học hỏi những điều tốt từ người khác, nhưng ta vẫn phải có con đường riêng cho mình, biết khả năng và đam mê của bản thân mình.Chúng ta nên sống cuộc đời mà ta muốn chứ không phải ai đó muốn.
Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ
Dõi theo hành trình đi tìm kho báu của cậu chăn cừu trong Nhà Giả Kim, một hành trình mở ảo và không có gì chứng minh sự chắc chắn. Nhưng cậu chăn cừu vẫn cứ bước đi, nếu không thử tìm kiếm, thử trả giá thì làm sao cậu biết điều gì có thể hay không. Và cho dù kho báu không tồn tại thì cho đến cuối cùng, ta cũng có thể tự hào nói tôi đã “dám” làm, dám trả giá để minh chứng điều mình mơ ước. Ta có thể mỉm cười rằng ta vẫn là người chiến thắng trong chính con đường dành riêng cho mình đó.
“Người nào sống trọn đời mình, người đó biết tất cả những gì cần biết. Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: Đó là sợ sẽ thất bại”.
Chỉ có hành động, mới sớm thành công
Những khát khao sẽ không có giá trị gì, nếu ta không hành động. Một tấm bản đồ, bất kể kỹ càng tường tận đến bao nhiêu, tỉ lệ chính xác đến bao nhiêu, nó vĩnh viễn không mang chủ nhân của nó di chuyển nửa bước trên mặt đất. Tất cả mọi cái sẽ trở thành vô nghĩa, nếu chúng ta không bắt tay vào hành động.
Ta không để việc hôm nay sang đến ngày mai, bởi vì ngày mai có thể sẽ không có chỗ cho việc đó nữa, hoặc cũng có thể sẽ không có ngày mai. Cho dù hành động của ta chưa mang lại niềm vui và thành công, nhưng hành động mà thất bại còn hơn ngồi mà chờ chết. Hành động cho dù chưa có được thành công, nhưng nếu không hành động thì mọi trái ngon cũng không có gì hái xuống được.
Nhà Giả Kim khuyến khích chúng ta rằng không chỉ có học và đọc, mà cần phải bắt tay vào hành động ngay, đừng quá cầu toàn mà trì hoãn, có thể bạn không đi đúng hướng ngay từ đầu, nhưng từ đó, bạn sẽ biết cách điều chỉnh tư duy và hành động của mình để tăng khả năng thành công trong những lần sau.
Tuy nhiên, Nhà Giả Kim không phải là cuốn sách của những giáo điều
Nếu độc giả cho rằng tác phẩm là những bài giảng về một hành trình start-up, là cuốn sách gối đầu giường của những bạn trẻ đang khởi nghiệp, thì có lẽ chúng ta đã kỳ vọng vào cuốn sách quá nhiều. Một cuốn sách “best seller” thực tế không mang nhiều ẩn ý đến thế.
Không có một điều gì là hoàn hảo, là tuyệt đối cả, một bộ phim hay một tác phẩm văn học cũng thế. Chúng ta hãy cứ nhẹ nhàng tận hưởng Nhà Giả Kim như một đứa trẻ ngây thơ, coi như một cuốn sách giải trí sau những giờ phút học tập, lao động và làm việc mệt mỏi. Đừng gắn cho Nhà Giả Kim cái mác to lớn là “cuốn sách bán chạy chỉ sau kinh thánh”, hay sai lầm hơn là coi nó như một cuốn sách self-help. Bởi vì sau tất cả, cuốn Nhà Giả Kim vẫn chỉ là một câu chuyện truyền thuyết thôi, bạn nhé!
Mình đã đọc đủ thứ sách trên đời dưới bể từ tâm lý học ( sách chuyên ngành, không phải selfhelp), đến sách luật, rồi sách lịch sử văn hóa tôn giáo (mình vô thần nhưng đọc từ Cựu ước tân ước đến Tam tạng kinh, kim cương kinh, Kinh vệ đà của Bà la môn)… chẳng phải khoe nhưng mình có một cái nền khá tốt để nuốt mấy cuốn sách triết lý khó đọc. Và theo mình thì cuốn Nhà giả kim nhạt toẹt, nó giống như một thứ overrated bị thổi phồng to tướng bên ngoài nhưng sáo rỗng bên trong. Cá nhân mình bị dị ứng những cuốn dạng như thế.
KHÔNG CÓ 1 CÁI GÌ LÀ HOÀN HẢO, TUYỆT ĐỐI CẢ, 1 cuốn sách hay 1 tác phẩm văn học cũng thế nó như âm nhạc hay ẩm thực, cùng 1 tác phẩm có thể nó là “tuyệt vời” với người này, nhưng cũng có thể “không thèm đọc” với người kia 😀
Đừng vội đọc vì nhiều người khen hay cũng đừng vội bỏ qua khi nhiều người chê dở
Hãy đọc khi cảm thấy hứng thú với vấn đề trong quyển sách!