Những tác phẩm phim chuyển thể từ văn học luôn tạo ra nhiều ý kiến khác nhau, nhưng dưới đây là 7 bộ phim chứng minh rằng văn học sẽ luôn là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh.
Danh sách dưới đây là ý kiến chủ quan của Blog Văn học Điện ảnh và không sắp xếp theo thứ tự về mức độ hay, mỗi bộ phim đều hay theo cách riêng của tác phẩm đó!
Vợ Chồng A Phủ
Bộ phim Vợ Chồng A Phủ được sản xuất năm 1961 và là một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài và đã tái hiện chân thực câu chuyện về vợ chồng A Phủ. Diễn viên Đức Hoàn và Trần Phương đã hoàn thành xuất sắc vai diễn, tạo nên một tác phẩm phim vô cùng đặc sắc và nhân văn cho người xem.
Bộ phim đã truyền đạt tốt tư tưởng của nguyên tác truyện ngắn của tác giả Tô Hoài, thể hiện được nỗi đau khổ và tinh thần chiến đấu của vợ chồng A Phủ, cũng như hành trình bảo vệ cộng đồng trong thời kỳ cách mạng. Vợ Chồng A Phủ là tác phẩm điện ảnh đặc sắc, đánh dấu một trang sử cho văn hóa điện ảnh Việt Nam.
Cánh Đồng Bất Tận
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Khi vừa ra mắt, dự án đã nhận được nhiều lời tán dương của giới phê bình bởi cốt truyện bám sát nguyên tác và nêu ra được thông điệp của tác phẩm văn học gốc, dàn diễn viên diễn xuất tròn vai, mang đến khản giả những cảm xúc chân thật nhất.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của 4 nhân vật: Nhân vật Sương bị truy đuổi phải trốn lên ghe của cha con ông Tư để chạy trốn; hai đứa trẻ Nương và Điền với cuộc đời lênh đênh trên sông nước. Họ cứ thể vỗ về tâm hồn và làm chỗ dựa tinh thần cho nhau. Nhưng những bi kịch vẫn không ngừng buông tha họ…
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Một tác phẩm phim chuyển thể thành công từ tiểu thuyết cùng tên “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Các nhân vật trong phim đã khéo léo truyền tải câu chuyện về quê hương, gia đình và về thời niên thiếu tươi đẹp của mỗi người, tác phẩm phim đã tạo nên một bức tranh rung động lòng người.
Tác phẩm đã ghi điểm với khán giả không chỉ bởi nội dung sâu sắc mà còn nhờ hình ảnh phim đẹp, bên cạnh đó là diễn xuất rất tốt của các diễn viên nhí dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Victor Vũ. Với doanh thu 77,77 tỷ đồng và rất nhiều giải thưởng điện ảnh, bộ phim đã chinh phục cả giới phê bình và khán giả.
Chị Dậu
Chị Dậu là một bộ phim nổi tiếng thuộc hàng những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Tác phẩm điện ảnh được sản xuất năm 1980 bởi đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa dựa trên kịch bản tiểu thuyết Tắt Đèn của tác giả Ngô Tất Tố.
Bộ phim phản ánh chân thực cuộc sống khó khăn, nghèo khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám và đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả Việt (trong đó có admin).
Làng Vũ Đại Ngày Ấy
Đây là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời kì đầu. Đạo diễn Phạm Văn Khoa, sau thành công của Chị Dậu, đã tái hiện một tuyệt tác phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nam Cao. Bộ phim tổng hợp 3 tác phẩm lớn: Chí Phèo, Sống Mòn và Lão Hạc, phim nổi tiếng với hình ảnh biểu tượng của Thị Nở, Chí Phèo.
Khác biệt từ tác phẩm gốc, tác phẩm điện ảnh là cuộc sống của 3 nhân vật trong cùng một môi trường, tạo nên một bức tranh ảm đạm về làng Vũ Đại thời kỳ Pháp thuộc. Bộ phim có chỗ đứng quan trọng trong lịch sử phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Tro Tàn Rực Rỡ
Đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại sau 10 năm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tác phẩm được chuyển thể từ 2 truyện ngắn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư là Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về.
Tro Tàn Rực Rỡ có sự góp mặt của dàn diễn viên sáng giá, gồm: Juliet Bảo Ngọc Doling, Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Lê Công Hoàng, NSƯT Hạnh Thúy…
Lấy bối cảnh một làng chài miền Tây nghèo khó, Tro Tàn Rực Rỡ kể về câu chuyện tình yêu đặc biệt của 3 người phụ nữ. Mỗi người có những câu chuyện riêng, nỗi niềm riêng, nhưng đều ấp ủ ngọn lửa khao khát yêu và được yêu cháy bỏng. Tình yêu của họ mạnh mẽ, sẵn sàng bao dung cho những nỗi đau đang dày vò người đàn ông cạnh mình.
Mắt Biếc
Tác phẩm đã tạo được sự chú ý ngay từ khi chưa công chiếu, bộ phim khiến khán giả thỏa mãn từ phần nhìn cho đến phần nghe, tất cả như được “đo ni đóng giày” cho bộ phim. Dự án có một dàn diễn viên trẻ trung như: Trúc Anh, Trần Nghĩa, Trần Phong, Thảo Tâm nhưng đã hóa thân nhân vật cực kỳ suất sắc.
Tác phẩm là câu chuyện từ thuở bé cho tới lúc lớn lên của 2 nhân vật chính Ngạn và Hà Lan. Từ thuở nhỏ với cuộc sống vô tư, bình dị tại làng Đo Đo có đồi Sim rực rỡ hoa tím, có khu chợ quê mộc mạc; cho đến cuộc sống xa nhà nơi phố thị phồn hoa nhưng nhiều cám dỗ, bộ phim có cả những bi kịch tình yêu đầy ngang trái. Một tình yêu dang dở mà Ngạn dành cho Hà Lan đã khiến người xem không khỏi day dứt.
Xem thêm: Top 10 phim chuyển thể từ văn học đặc sắc nhất
Phim chuyển thể từ văn học Việt Nam còn có phim Quyên cũng rất hay.