Tiểu thuyết và Truyện ngắn là hai thể loại văn học khác nhau, hai thể loại này đều giữ vai trò nòng cốt trong văn xuôi hiện đại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy thì đặc điểm của hai thể loại văn học này như thế nào, chúng khác nhau ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua góc nhìn của Blog Văn học Điện ảnh bằng bài viết dưới đây.
Tiểu thuyết là gì?
Tiểu thuyết là thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua các nhân vật và sự việc để phản ánh bức tranh cuộc sống rộng lớn và những vấn đề của xã hội, biểu hiện tính tường thuật, tính kể chuyện bằng văn xuôi theo những chủ đề xác định.
Trong văn học phương Đông, tiểu thuyết xuất hiện khá sớm nhằm phân biệt với trung thuyết và đại thuyết. Đại thuyết là kinh sách của các thánh nhân như Kinh Thi, Kinh Thư của Khổng Tử, đó là loại sách nặng tính triết học, có nhiều chân lý trong đó, kiểu như khuôn vàng thước ngọc và khó đọc. Trung thuyết do các sử gia, các bậc trí thức thực hiện như sách sử, sách bách khoa; Sử ký của Tư Mã Thiên là một ví dụ. Còn Tiểu thuyết, vốn chỉ những câu chuyện về đời sống xã hội hay những câu chuyện giả tưởng; Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn, Harry Potter, Tây Du Ký hay Hồng Lâu Mộng là những câu chuyện như thế.
Truyện ngắn là gì?
Tại Việt Nam, một số nhà xuất bản và tác giả trước năm 1975 dùng từ truyện dài thay cho tiểu thuyết để khẳng định danh từ truyện và để phân biệt với truyện ngắn. (Truyện ngắn có độ dài khoảng vài chục trang, Truyện dài thì khoảng vài trăm trang).
Theo quan niệm trước đây, đặc biệt là của Nhật Bản và Trung Quốc, tiểu thuyết gồm 2 loại chính là tiểu thuyết đoản thiên (hay còn gọi là truyện ngắn) và tiểu thuyết trường thiên (truyện dài).
Còn hiện nay tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, người ta sẽ hiểu “tiểu thuyết đoản thiên” tức là truyện ngắn và “tiểu thuyết trường thiên” là tiểu thuyết.
Ở phương Tây, Truyện ngắn ra đời khá muộn dù trước đó đã tồn tại dưới hình thức truyện ngụ ngôn truyền miệng, Truyện ngắn lần đầu xuất hiện trên một tạp chí xuất bản đầu thế kỷ XIX, phát triển lên đỉnh cao nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào Anton Chekhov, E.T.A. Hoffmann hay Jack London, sau đó trở thành hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỷ XX.
Tiểu thuyết và Truyện ngắn khác nhau ra sao?
Truyện ngắn thường có xu hướng ngắn gọn súc tích hơn, có ý tưởng sắc sảo hơn, nội dung cô đọng và mang nhiều ẩn ý hơn. Tiểu thuyết thì ít bị giới hạn về độ dài, nên có khả năng phản ánh đời sống rộng lớn hơn, cốt truyện được xây dựng trên nhiều sự kiện hơn, có nhiều tuyến nhân vật với diễn biến tâm lý phức tạp hơn.
Truyện ngắn thường tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi Tiểu thuyết chứa đựng nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Vì vậy, Truyện ngắn thường rất hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong Truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ miêu tả một khoảnh khắc của cuộc sống.
Ví dụ ta lấy hai tác phẩm của cùng một nhà văn Jack London, đó là Truyện ngắn Nhóm Lửa và Tiểu thuyết Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã. Câu chuyện của tác phẩm Nhóm Lửa chỉ xảy ra trong vài tiếng và có một nhân vật; trong khi câu chuyện của tác phẩm Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã có thời gian trong nhiều năm với hơn 20 nhân vật.
Như vậy, thông thường Tiểu thuyết sẽ dài hơn Truyện ngắn. Nhưng không phải bất cứ tác phẩm dài nào cũng là tiểu thuyết. Một tác phẩm dài hay ngắn chỉ là tương đối để phân biệt. Phần quan trọng để được gọi là Tiểu thuyết còn nằm ở cấu trúc tác phẩm.
Tiểu thuyết thì có câu chuyện triền miên theo thời gian, đôi khi có quãng hồi ức ngược trở lại. Truyện ngắn thì gây cho người đọc một cái nút cần được tháo gỡ. Cái nút đó càng ngày càng thắt chặt đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi ra, khiến cho người đọc vỡ oà cảm xúc.
Truyện ngắn và Tiểu thuyết đều có thế mạnh riêng. Tiểu thuyết với khả năng phản ánh đời sống rộng lớn, có nhiều tuyến nhân vật với diễn biến tâm lý sâu hơn có thể giúp chúng ta chữa lành tâm trí và nâng cao nhận thức xã hội hơn. Còn Truyện ngắn có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học cô đọng và nhanh chóng bởi trong thế giới hiện đại, người đọc sách ít có thời gian và mong muốn trải nghiệm văn học một cách tiện lợi.
Tuy khác nhau là vậy, nhưng suy cho cùng Tiểu thuyết và Truyện ngắn đều là những tác phẩm văn xuôi dùng để kể một câu chuyện, để làm gợi lên hơi thở cuộc sống. Thể loại này vẫn có thể sử dụng đặc trưng nghệ thuật của thể loại kia và tồn tại dựa trên sức mạnh đặc trưng thể loại của mình. Hai thể loại này sẽ không loại trừ nhau, mà sẽ cùng tồn tại khi cuộc sống cần đến nó. Tuỳ vào thiện cảm và khách thể nghiên cứu của mỗi độc giả, người thì khẳng định sự vĩnh cửu của Truyện ngắn, người thì khẳng định sức sống của Tiểu thuyết, cả hai xu thế này đều đúng, nếu độc giả có góc nhìn đa chiều và khách quan về cả hai thể loại văn học này.
Xem thêm: Phim chiếu rạp và Phim truyền hình khác nhau như thế nào?