Những bộ phim chuyển thể từ văn học luôn tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng dưới đây là 10 phim chuyển thể từ văn học đặc sắc nhất, chứng minh rằng văn học sẽ luôn là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh.
Danh sách dưới đây là ý kiến chủ quan của Blog Văn học Điện ảnh và không sắp xếp theo thứ tự về mức độ hay, mỗi bộ phim đều hay theo cách riêng của tác phẩm đó!
Bố Già – The Godfather (1972)
Được sản xuất từ năm 1972 nhưng cho đến nay, phim Bố Già vẫn luôn nằm trong top những bộ phim đạt điểm số cao nhất trên trang web đánh giá phim ảnh uy tín IMDB, với số điểm 9,2 – một điểm số mà hiếm có bộ phim nào đủ đẳng cấp sánh bằng.
Phim Bố Già dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo, nhân vật chính là ông trùm Vito Corleone (đóng bởi Marlon Brando) với những phẩm chất đáng kính. Vì tuổi cao, vị trí “Bố già” của Vito đã để lại cho cậu con trai út xuất chúng là Michael Corleone (đóng bởi Al Pacino). Nhờ sự dạy dỗ của bố mình và những phẩm chất xuất chúng, Michael cũng dần đứng vững trên vị trí Bố Già và cai quản đế chế mà bố mình gây dựng.
Cuốn Theo Chiều Gió – Gone With The Wind (1939)
Cuốn Theo Chiều Gió tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Margaret Mitchell. Nội dung phim xoay quanh tình yêu của cô nàng nghị lực Scarlett O’Hara (đóng bởi Vivien Leigh) trong thời nội chiến Hoa Kỳ và thời hậu chiến.
Trong phim, nhân vật Scarlett O’Hara phải tìm mọi cách để sống sót qua những trận chiến khốc liệt. Sau chiến tranh, cô phải đối mặt với nhiều gian nan để có một cuộc sống khá hơn. Dù trong hoàn cảnh ấy nhưng cô vẫn luôn tôn thờ tình yêu, Scarlett đem lòng yêu Rhett Butler (đóng bởi Clark Gable) rất mãnh liệt và người đàn ông đó cũng yêu cô. Cuốn Theo Chiều Gió cho thấy sức mạnh của tình yêu và một niềm tin tươi sáng.
Những Người Khốn Khổ – Les Misérables (2012)
Những Người Khốn Khổ phiên bản năm 2012 là bộ phim nhạc kịch dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Victor Hugo. Đây là câu chuyện về những số phận của những con người khác nhau trong xã hội giai đoạn đầu thế kỷ XIX đầy khó khăn và oan trái.
Nhân vật chính của phim là Jean Valjean (đóng bởi Hugh Jackman) – một người đàn ông phải chịu 19 năm tù khổ sai chỉ vì ăn cắp một mẩu bánh mì. Sau khi mãn hạn, ông cố gắng hướng đến một tương lai tốt đẹp, nhưng lại không thể rũ bỏ hoàn toàn quá khứ. Trong những năm tháng nỗ lực sống lương thiện ấy, ông đã gặp nhiều mảnh đời khốn khổ khác. Bằng cách này hay cách khác, tất cả họ đều có một mối liên kết với nhau.
Đây là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết đầy cảm động về tình yêu, về sự khổ đau, hy sinh và ước mơ của mỗi một con người. Diễn xuất, quay phim và âm nhạc của phim đều được đầu tư bài bản, giúp bộ phim đạt điểm số 7,5 trên IMDB.
Nhà tù Shawshank – The Shawshank Redemption (1994)
Trên IMDB, bộ phim Nhà Tù Shawshank đứng sừng sững ở vị trí số 1, với số điểm là 9,3. The Shawshank Redemption là phiên bản điện ảnh dựa trên truyện ngắn của nhà văn Stephen King – là bộ phim được đánh giá rất cao về cốt truyện, diễn xuất và âm nhạc.
Bộ phim kể về nhân vật chính Andy – một giám đốc nhà băng thành đạt, bị kết án tù oan với 2 bản án chung thân, tưởng rằng bản án đó sẽ là dấu chấm hết cho cuộc đời anh, bởi vì làm sao một “ma mới” vốn đã quen chăn ấm đệm êm như Andy có thể sống mãi trong một xà lim tồi tàn, vây quanh bởi những kẻ tù tội? Nhưng mà không, người đàn ông có dáng vẻ suy tư ấy vẫn bền bỉ, không than vãn một lời, tìm cách thích ứng với cuộc sống trong lao tù khổ sai và ấp ủ một kế hoạch mà sẽ làm khán giả thỏa mãn ở cuối phim…
Dặm Xanh – The Green Mile (1999)
Lại là một tác phẩm nữa đến từ nhà văn Stephen King, nhiều thập niên trôi qua nhưng bộ phim vẫn là một trong những tác phẩm phim chuyển thể từ văn học xúc động, đau thương và cũng huy hoàng nhất về những số phận khốn khổ ở một xã hội thối nát của miền Nam Hoa Kỳ những năm 1930 trong cuộc đại suy thoái.
Đó là những hồi ức về cái chết của John Coffey – “một người da đen tội nghiệp”. Ông là đại diện cho nỗi đau, sự oan trái, nhưng cũng là hiện thân của những điều thiện lương, tốt đẹp nhất, do Paul Edgecomb, một người quản giáo trong nhà tù Cold Mountain kể lại.
Hơn thế nữa, Dặm Xanh là câu chuyện về những con người không cùng sắc tộc, địa vị và hoàn cảnh, trong dãy nhà tù lạnh lẽo như một xã hội thu nhỏ, làm dấy lên những ký ức về một giai đoạn đáng buồn nhất của lịch sử nước Mỹ với những con người đang bám víu vào những tàn tro cuối cùng để níu kéo sự sống, với những xung đột, kỳ thị vẫn ăn sâu vào tâm thức, dẫn đến những sự đấu tranh khốc liệt giữa cái thiện và ác, giữa lòng nhân ái và sự oan trái…
Kiêu Hãnh Và Định Kiến – Pride And Prejudice (2005)
Bộ phim tình cảm này được dựng lên từ cuốn tiểu thuyết của tác giả Jane Austen. Nội dung tiểu thuyết nói về một cô gái nhạy cảm nhưng mạnh mẽ, thông minh và khá thực tế. Nhân vật của Austen có khả năng nhìn toàn cảnh thế giới chứ không phải một mảng nhỏ nhắn nào đó.
Phiên bản phim năm 2005 được đông đảo khán giả đón nhận và đánh giá là phiên bản phim chuyển thể hay nhất, phim có chút mỉa mai, lãng mạn và nội tâm nhân vật được diễn tả đầy đủ như phiên bản văn học gốc. Cho đến nay, Kiêu Hãnh Và Định Kiến vẫn luôn là cái tên nằm trong top những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới.
Harry Potter (2001 – 2011)
Harry Potter là loạt phim dựa trên loạt tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả J. K. Rowling. Loạt phim được phát hành bởi hãng phim Warner Bros. Pictures và gồm 8 phần phim, bắt đầu với Harry Potter và Hòn đá phù thủy và kết thúc là Harry Potter và Bảo bối Tử thần – Phần 2.
Các phần phim Harry Potter đều đạt doanh thu phòng vé vô tiền khoáng hậu, với tất cả 8 phim được phát hành đều nằm trong danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh. Loạt phim cũng thành công trong mắt giới giới phê bình, khiến nhượng quyền thương mại của tác phẩm trở thành một trong những “cột mốc” lớn của Hollywood như Điệp Viên 007, Chiến Tranh Giữa Các Vì sao, Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn hay Vũ Trụ Điện Ảnh Marvel…
Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn – The Lord Of The Rings (2001 – 2003)
Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn là một loạt 3 bộ phim phiêu lưu giả tưởng sử thi do Peter Jackson đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết của nhà văn J. R. R. Tolkien. Các bộ phim có phụ đề là Hiệp hội nhẫn thần, Hai tòa tháp và Sự trở về của nhà vua.
Chuyện phim lấy bối cảnh tại vùng đất được gọi là Trung Địa, kể về cuộc hành trình tiêu diệt One Ring – Chiếc nhẫn quyền lực nhất của một người Hobbit có tên Frodo Baggin.
Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn là một trong những series phim thành công nhất lịch sử điện ảnh, trở thành một trong những loạt phim có doanh thu khổng lồ nhất với tổng doanh thu ngót nghét 3 tỷ USD.
Hơn hai thập kỷ trôi qua, tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học này vẫn tạo nên sức hút và khiến khán giả toàn cầu mê mẩn.
Hãy Đứng Bên Tôi – Stand by Me (1986)
Tác phẩm điện ảnh dựa trên tiểu thuyết ngắn The Body của nhà văn Stephen King, đạo diễn bởi Rob Reiner. Tác phẩm phim nói về những cậu trai 12 tuổi nhưng để dành cho người trưởng thành xem và suy ngẫm.. Hãy Đứng Bên Tôi giành đề cử Quả Cầu Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim chính kịch hay nhất và đề cử Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc…
Nếu nhìn vào phần tóm tắt nội dung của Hãy Đứng Bên Tôi, admin nghĩ rằng có nhiều độc giả sẽ bỏ qua bộ phim xuất sắc này. Cốt truyện phim xoay quanh 4 cậu bé 12 tuổi và hành trình đi tìm… một xác chết của một cậu bé khác bị tàu đâm. Quả thật, cuộc hành trình trong phim cũng chỉ có thế, nhưng admin cũng tin rằng, ai đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu này cùng 4 cậu bé, sẽ không muốn quay lại nữa…
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu – The Silence of the Lambs (1991)
Sự Im Lặng Của Bầy Cừu là bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám kinh dị cùng tên của nhà văn Thomas Harris. Bộ phim đoạt đủ 5 giải Oscar quan trọng nhất (Big Five). Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là bộ phim thứ ba và gần đây nhất sau It Happened One Night (1934) và Bay trên tổ chim cúc cu (1975) có được vinh dự này.
Trong phim, Clarice Starling, một nữ thực tập viên của FBI, được giao nhiệm vụ đến Bệnh viện tâm thần lấy thông tin từ Hannibal Lecter – một kẻ ăn thịt người, để điều tra về một kẻ giết người hàng loạt khác có biệt danh là “Buffalo Bill” – tên này là nguyên nhân mất tích của hàng loạt phụ nữ thời gian qua.
Tại sao tên phim lại là “sự im lặng của bầy cừu”? Tại sao bầy cừu lại “im lặng”, trong khi xuyên suốt tác phẩm, trong hồi ức của Starling luôn là hình ảnh về một bầy cừu đang gào hét? Có lẽ thông điệp của bộ phim chính là: Để không còn phải chịu nỗi ám ảnh về tiếng kêu của những con cừu hay cái chết của những phụ nữ đáng thương nữa, thì Clarice Starling phải “hành động”, cô phải đi đến cùng trong cuộc điều tra.
Văn học sẽ luôn là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh, và vẫn còn đó nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc chuyển thể từ văn học khác nữa mà bài viết chưa thể kết hết, mong rằng bài viết sẽ đem đến thông tin hữu ích và thú vị cho độc giả!
Xem thêm: Top 7 phim chuyển thể từ văn học Việt Nam đặc sắc nhất