Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, bên cạnh những hổ tướng sức địch muôn người, không thể không kể đến tầm quan trọng của các quân sư, mưu sĩ.
Bài viết Top 10 quân sư, mưu sĩ tài ba nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa của Blog Văn học Điện ảnh dưới đây dựa theo quan điểm của admin và không sắp xếp thứ tự về sự xuất sắc của các quân sư, mưu sĩ này. Mỗi nhân vật đều có những thế mạnh riêng của nhân vật đó!
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng có tên tự Khổng Minh, còn được gọi là Ngọa Long tiên sinh. Lúc đầu, ông muốn ẩn cư cả đời ở Nam Dương, sống cuộc đời nhàn hạ, song khi Lưu Bị đích thân 3 lần đến lều tranh bái kiến đã khiến Khổng Minh quyết định xuống núi trợ giúp cho vị quân chủ này.
Gia Cát Khổng Minh là người thuộc lòng sử sách, hiểu binh pháp, biết phong thủy, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Trong trận đại chiến Xích Bích, “Gia Cát Lượng có thể mượn được gió Đông”. Hơn thế nữa, Ngoạ Long tiên sinh còn nghĩ ra Kỳ môn Bát quái trận.
Nhờ trí tuệ của mình, Gia Cát Khổng Minh đã trở thành một hình tượng tiêu biểu của những nhân vật đa mưu, túc trí, là hóa thân của trí tuệ, của tài hoa và được người đời ca tụng trong văn hoá nghệ thuật.
Bàng Thống
Thủy Kính tiên sinh từng nói với Lưu Huyền Đức rằng “Ngọa Long, Phượng Sồ, được 1 trong 2, có thể định được thiên hạ”. Có thể thấy, đối với Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy thì về mặt mưu lược, cả Gia Cát Lượng và Bàng Thống tài năng như nhau. Bàng Thống không chỉ giỏi dẫn binh đánh trận, mà còn tinh thông thuật trị quốc.
Ông cũng là người bày liên hoàn kế trong trận Xích Bích khiến quân Tào Nguỵ đại bại. Trong cuộc đối đầu giữa Lưu Bị và Lưu Chương sau đó, Bàng Sĩ Nguyên đã bày “Thượng-Trung-Hạ tam kế”, Lưu Bị chọn trung kế và thắng Lưu Chương nhưng kế sách này phải đổi lấy mạng sống của chính Phượng Sồ Bàng Thống. Bàng Thống tử trận khi chỉ 36 tuổi.
Pháp Chính
Pháp Chính hơn Gia Cát 4 tuổi, cả hai đều là cánh tay đắc lực của Lưu Huyền Đức. Gia Cát Khổng Minh đảm nhiệm công việc hậu cần, chăm lo binh lực và lương thảo; còn Pháp Hiếu Trực thì theo đại quân đi chinh phạt, bày mưu tính kế. Cả hai bộ não này phối hợp nhịp nhàng, lấy ngắn bọc dài.
Năm Chương Vũ thứ hai, hai nước Thục, Ngô vì cái chết của Quan Vân Trường mà đã có trận đánh lớn ở Di Lăng, quân Thục thảm bại, rút về thành Bạch Đế. Gia Cát Lượng khi đó phải than rằng: “Nếu Pháp Hiếu Trực còn, thì đã có thể ngăn Quân Chủ dẫn binh; kể cả ngăn không được thì có ông theo cùng, nhất định có thể trở về sau chiến bại”.
Chính đối thủ của ông là Tào Tháo cũng từng đánh giá rằng: “Ta có được anh hùng cả thiên hạ, nhưng Pháp Chính là ta không có được!” Qua câu nói này, ta có thể thấy vị trí của Pháp Chính trong lòng người đứng đầu tập đoàn Tào Ngụy, ít nhất vị trí đó không thấp hơn vị trí của Quách Gia.
Chu Du
Chu Du, tên tự là Công Cẩn, là Đại Đô đốc nhà Ngô thời Tam Quốc, là người lắm mưu nhiều kế, đặc biệt giỏi về thuỷ chiến, ông gần như là một tướng lĩnh hoàn mỹ, chỉ tiếc vì dốc sức quá độ mà đoản mệnh.
Chu Công Cẩn góp công lớn vào việc giúp Tôn Sách giành được một phần giang sơn, tầm nhìn của ông hoàn toàn không kém Gia Cát Lượng.
Dấu ấn đậm nét nhất của Mỹ Chu Lang chính là ở trận đại chiến trên sông Xích Bích. Đại Đô đốc của Đông Ngô đã chỉ huy thủy quân đánh bại quân Tào Nguỵ, tạo thành thế chân vạc thời Tam Quốc.
Lục Tốn
Sau Chu Đô đốc, Tôn Quyền có thể nói rất may khi sở hữu thêm Lục Tốn. Chiến tích nổi tiếng nhất của tướng lĩnh này chính là trận đại chiến tại Di Lăng, Lục Tốn đã thiêu cháy hàng chục vạn quân do Lưu Bị chỉ huy. Lục Tốn tiếp tục đả bại Tào Hưu tại Nhai Đình, lập công liên tiếp, được Tôn Quyền thăng lên vị trí cao hơn và vô cùng coi trọng.
Sau này, ông đảm nhiệm việc giám sát và quản lý cả 2 lĩnh vực quân sự và dân sự tại Giang Đông, đồng thời tham gia một số cuộc chiến chống lại nhà Ngụy.
Đáng tiếc thay, Trong những năm tháng cuối đời, Lục Bá Ngôn đã bị cuốn vào cuộc tranh đấu giành quyền nối ngôi giữa các con trai của Tôn Quyền và không được ưu ái như trước, cuối cùng qua đời trong thất vọng.
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý, tên tự Trọng Đạt. Ông xuất thân trong một gia đình có tiếng, từng theo giúp Tào Tháo đánh dẹp thiên hạ, sau lại phò tá 4 vị Hoàng đế nhà Ngụy, giúp Tháo lập không ít chiến công.
Tư Mã Trọng Đạt là kẻ thù truyền kiếp của Gia Cát Khổng Minh. Khi Gia Cát phát động cuộc Bắc phạt thì nhiều lần phải rút quân về đều do Tư Mã Ý. Ông là nhân vật kiệt xuất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, không chỉ thông thạo binh pháp, giỏi về thủ thành, ông còn là nhà chính trị tài ba.
Ông là người biết nhẫn nhịn, biết ẩn mình chờ thời, ông đợi đến khi nhà Ngụy trải qua 3 đời hoàng đế, mới lập mưu làm phản. Tư Mã Trọng Đạt một tay dọn đường để con trai mình lật đổ nhà Ngụy, sau này lập nên nhà Tây Tấn.
Quách Gia
Quách Gia, tên tự là Phụng Hiếu, ông là một trong những mưu sĩ tài ba nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa. Bàn về Tam Quốc Diễn Nghĩa, có câu nói lưu truyền trong nhân gian rằng “Quách Gia không chết, Gia Cát Lượng không dám xuống núi”, qua đó có thể thấy người đời cực kỳ nể trọng trí tuệ của vị mưu sĩ này.
Nói đến tài năng của Quách Gia, chính Tào Tháo cũng phải thốt lên rằng “Khiến ta thành Đại nghiệp tất là người này”. Và quả thực, trong suốt 11 năm có được Quách Gia, Tào Ngụy như Cá gặp nước. Nắm được sức mạnh của địch và ta, Quách Gia đã hiến mưu kế bắt và triệt hạ Lã Bố; giúp Tào Tháo dẹp Viên Thiệu ở trận Quan Độ; hiến kế tiêu diệt 2 con của Viên Thiệu; hiến kế khiến quân Ô Hoàn đại bại…
Đáng tiếc Quách Phụng Hiếu lại qua đời rất sớm khi chỉ 37 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng nếu ông còn sống, thì có thể giúp Tào Mạnh Đức thống nhất thiên hạ.
Giả Hủ
Giả Hủ (147 – 223), là người ở quận Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, được xem là một bộ não cực kỳ cơ trí trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Giả Hủ được đánh giá là một người mưu trí và nhạy bén với thời cuộc.
Trong thời Tam quốc loạn lạc, ông đã nhiều lần đổi chủ nhưng cuối cùng lại phò tá cho Tào Tháo, ông cũng là người khiến Tháo ra quyết định lập Tào Phi kế vị.
Điều khiến người đời sau kinh ngạc là, dù Giả Hủ có trí tuệ hơn người, nhưng lại có thể sống thảnh thơi dưới trướng một Tào Tháo đa nghi. Ông không chỉ giúp bản thân mình an hưởng đến cuối đời, mà còn bảo vệ an toàn cho cả gia quyến, một điều mà Tuân Úc – cũng là một mưu sĩ cực giỏi dưới trướng Tào Tháo không làm được, Tuân Úc vì đã có lời can ngăn Tào Tháo trong việc xưng đế mà đã bị bức tử đến vong mạng.
Tuân Úc
Luận về mặt chiến lược, ông là người dựng lên con đường quân sự và quy hoạch địa đồ thống nhất phương Bắc, ông nhiều lần sửa lại phương hướng chiến lược cho Tào Tháo, gồm cả việc chặn đón Thiên Tử. Tuân Úc thậm chí được Tháo trao quyền mắng Tháo khi Tháo có chiến lược sai lầm, trong trận Quan Độ, Tào Tháo đã phải nhờ người đem thư về hỏi ý kiến Tuân Úc, trong khi ngay bên cạnh đã có các mưu sĩ khác như Quách Gia, Lưu Hoa…
Luận về chính trị, ông là đại hậu phương giúp nhà Tào Nguỵ xử lý sự vụ quân quốc, là công thần số 1 trong kế hoạch thống nhất phương Bắc, ông được xưng là Vương Tá Chi Tài hay Tuân lệnh quân của nhà Nguỵ.
Luận về nhân sự, Tuân Úc từng tiến cử rất nhiều nhân tài cho nhà Tào Nguỵ như Quách Gia, Tuân Du và rất nhiều hiền tài khác… Có ý kiến cho rằng, nếu trận Xích Bích có ông đích thân theo đại quân đi tham chiến, thì thế cục có thể đã khác.
Trần Cung
Trần Cung là mưu sĩ phò tá cho Lã Bố, nhưng ban đầu ông cùng Tào Tháo đứng chung chiến tuyến, bằng con đường ngoại giao khéo léo, Trần Cung đã dễ dàng giúp Tháo có được Duyện Châu, đây là một bước đệm quan trọng cho việc gia tăng thế lực cho Tào Tháo sau này.
Sau này vì câu nói “thà ta phụ người, không để người phụ ta” của Tào Tháo mà Trần Cung đã bỏ Tào Tháo, phò tá Lã Bố nhiều lần đánh bại quân Tào. Nhưng về sau Lã Bố ham mê tửu sắc, không nghe lời Trần Cung, cuối cùng Lã Bố bị bắt và bị xử tử.
Trên đường tiễn ông ra pháp trường, Tào Tháo đã viện đủ lý do để có thể giữ ông lại nhưng ông vẫn tỏ ý chịu chết. Tháo đành chỉ biết khóc thương và đối đãi người nhà của ông cực kỳ hậu hĩnh.
Xem thêm: Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa
Thiếu Từ Thứ cũng là một thiếu xót lớn!