
Điện ảnh Hồng Kông – đế chế điện ảnh vang bóng một thời!
Thập niên 80 đến giữa thập niên 90 là giai đoạn phát triển mạnh nhất của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhắc đến sự hưng thịnh đó thì phải nhắc tới Đài phát thanh, truyền hình Hồng Kông TVB do Thiệu Dật Phu sáng lập năm 1967. Với vai trò chủ tịch TVB, ông đã đưa lịch sử điện ảnh Hồng Kông sang chương mới và gây dựng nên một vẻ đẹp của điện ảnh châu Á.
Thập niên 80 là thời kỳ ngành công nghiệp phim ảnh Hồng Kông cho ra đời những bộ phim truyền hình gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ 8X và 9X tại Việt Nam chúng ta. Hầu như mỗi năm trong thập niên 80 TVB đều cho ra đời một tác phẩm kinh điển như Bến Thượng Hải (năm 1980), Phượng Hoàng Lửa (năm 1981), Tô Khất Nhi (năm 1982)… Đến thập niên 90, TVB mở rộng sang các đề tài hình sự, tâm lý và tập trung thế mạnh cho dòng phim võ hiệp. Những phim truyền hình được sản xuất trong giai đoạn này đều đã đi vào hàng kinh điển như Nguyên Chấn Hiệp, Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp,…
Trong giai đoạn hoàng kim, nền điện ảnh Hồng Kông xuất khẩu phim nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới trừ Hollywood. Tại Đông Nam Á, phim Hồng Kông thống trị khắp các phòng vé; trong khi tại Mỹ, các bộ phim hành động, võ thuật của Thành Long, Lý Liên Kiệt đã mở đường cho sự hiện diện mạnh mẽ của điện ảnh Châu Á nói chung tại Hollywood. Doanh thu phim Hồng Kông tại thị trường quốc tế tăng trưởng đều đặn trong suốt thập niên 80, 90 đưa Hồng Kông trở thành một đế chế điện ảnh hùng bá tại Châu Á, mà cho tới ngày nay người ta vẫn không thôi tiếc nuối.
Tại sao ngành điện ảnh Hồng Kông sụp đổ?

Để lý giải tại sao ngành công nghiệp điện ảnh của Hồng Kông sụp đổ thì chúng ta có rất nhiều lý do, như cuộc khủng hoảng tài chính tại Châu Á năm 1997, những tài năng của điện ảnh Hồng Kông đã già và không có lứa kế thừa, sự di cư của nhiều nhân tài tiềm năng, những góc khuất sau màn ảnh, hay chính bản thân nền điện ảnh Hồng Kông đã hết sức sáng tạo và tự suy yếu… Nhưng theo quan điểm của Blog Văn học Điện ảnh thì có 2 nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn tới sự suy tàn của điện ảnh Hồng Kông đó là…
Thứ nhất, bối cảnh chính trị, văn hoá thay đổi khi Hồng Kông trở thành một phần của Trung Quốc
Sau khi Hồng Kông trở về Trung Quốc, ngành điện ảnh Hồng Kông phải tuân thủ các quy định kiểm duyệt chặt chẽ từ chính quyền trung ương. Điều này dẫn tới việc các nhà làm phim không còn tự do sáng tạo như trước, đặc biệt là trong các chủ đề nhạy cảm liên quan tới chính trị, nhân quyền, hay các vấn đề xã hội.
Với việc hợp nhất Hồng Kông vào Trung Quốc, các nhà làm phim Hồng Kông cũng phải hướng đến thị hiếu của khán giả tại thị trường Trung Quốc – một thị trường lớn nhưng có các tiêu chuẩn khác biệt. Điều này làm giảm đi tính độc đáo của điện ảnh Hồng Kông vốn nổi tiếng với phong cách làm phim đậm tính nghệ thuật và phản ánh xã hội sắc sảo. Điều này khiến nhiều phim Hồng Kông phải sản xuất theo mô hình hợp tác với các công ty đến từ Trung Quốc đại lục, các bộ phim dần bị thương mại hóa, mất đi phong cách đặc trưng vốn có.
Thứ hai, nền điện ảnh Hồng Kông không giữ được phong độ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc
Sau khi mở cửa kinh tế vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc bắt đầu nhận ra tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp giải trí như một công cụ văn hoá và kinh tế. Đến đầu thập niên 2000, điện ảnh Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ, Trung Quốc dần trở thành một trong những thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới. Năm 2002, Trung Quốc chỉ có khoảng 1500 rạp chiếu phim, thế nhưng con số này tăng lên 80.000 vào năm 2023. Bộ phim hoạt hình Trung Quốc – Na Tra: Ma Đồng Náo Hải (2025) đã trở thành bộ phim không thuộc Hollywood đầu tiên vượt mốc 1 tỷ đô la doanh thu phòng vé.
Sự nổi lên của điện ảnh Hàn Quốc cũng góp phần làm thay đổi cán cân quyền lực trong ngành điện ảnh khu vực Châu Á. Một trong những điểm nổi bật của ngành điện ảnh xứ kim chi là khả năng tận dụng tốt truyền thông, họ tạo được sức lan toả mạnh mẽ và xuất khẩu được phim ảnh tới nhiều quốc gia khác nhau. Từ đó, thông qua phim ảnh, những nét văn hoá từ con người, ẩm thực và lịch sử của Hàn Quốc đã được truyền tải rộng rãi ra quốc tế, đem tới ấn tượng tích cực và thu hút khán giả. Không chỉ có khả năng truyền thông tốt, nội tại của điện ảnh Hàn Quốc cũng thực sự mạnh, họ mạnh từ phim truyền hình tới phim điện ảnh, từ phim giải trí đến phim nghệ thuật, họ có những bộ phim tình cảm hướng tới thị hiếu của người xem đại chúng, nhưng vẫn đầy rẫy những bộ phim đoạt giải Oscar như Oldboy (2003) hay Parasite (2019), phim hành động và phim kinh dị Hàn Quốc cũng thực sự xuất sắc…
Thêm vào đó thì thị hiếu của khán giả cũng thay đổi, thế giới trở nên hiện đại hơn, người ta cũng muốn thưởng thức những bộ phim được đầu tư cả trăm triệu đô la, mà điều này thì ngành điện ảnh của Hồng Kông cũng phải chào thua đến từ ngân sách khổng lồ của những bộ phim Hollywood như Titanic hay Avengers…
Điện ảnh Hồng Kông liệu có thể vĩ đại trở lại?

Bộ phim Cửu Long Thành Trại: Vây Thành (2024) đã thắp lên hy vọng đưa nền điện ảnh Hồng Kông trở lại thời kỳ huy hoàng, đã lâu lắm rồi khán giả thế giới không được xem một bộ phim về xã hội đen hay đến thế. Vậy theo các bạn, nền điện ảnh của Hồng Kông liệu có thể tìm ra cơ hội để trỗi dậy lần nữa?
Nhưng dù những bộ phim như Cửu Long Thành Trại năm 2024 chỉ là một phút huy hoàng rồi lại tắt, thì những hoài niệm thật đẹp của những bộ phim Hồng Kông vẫn mãi nằm trong ký ức của nhiều khán giả, những ai đã từng yêu điện ảnh Hồng Kông vẫn có thể nghiền ngẫm bộ phim nào đó cả trăm lần chẳng chán; cũng như với số lượng tác phẩm thực sự khổng lồ, thì dù khán giả là ai, là người đã biết đến điện ảnh Hồng Kông hay mới bắt đầu thưởng thức, phim Hồng Kông vẫn là một kho tàng phim ảnh với nhiều bộ phim phù hợp cho mọi khán giả.
Bây giờ Hàn Quốc đang trên đà trở thành Holywood mới của Châu Á. Thực sự lúc trước mình không thích các phim Hàn toàn drama tình cảm … nhưng những năm lại đây điện ảnh Hàn Quốc có những phát triển vượt bậc về cả chủ đề, nội dung và cả chất lượng