Kịch bản điện ảnh khác với tiểu thuyết văn học như thế nào?

"Chuyện tào lao"
kịch bản phim và tiểu thuyết

Kịch bản điện ảnh thực chất cũng là văn học, vậy nên có thể nói điện ảnh chính là “văn học hiện hình”. Tuy nhiên, cách viết một kịch bản để sau đó quay phim, sẽ rất khác với việc viết một tác phẩm để trở thành tiểu thuyết hoặc truyện ngắn. Vậy thì viết kịch bản điện ảnh khác với tiểu thuyết văn học như thế nào? Hãy cùng Blog Văn học Điện ảnh tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Khái niệm kịch bản điện ảnh và tiểu thuyết văn học

Kịch bản điện ảnh khác với tiểu thuyết văn học như thế nào?

– Văn học theo cách nói chung nhất, là “bất kỳ tác phẩm nào bằng văn bản”. Hiểu theo nghĩa hẹp hơn, văn học là dạng văn bản được viết bằng ngôn ngữ mang tính nghệ thuật, hoặc bất cứ bài viết nào được coi là có hàm lượng trí tuệ cao hoặc ẩn chứa giá trị nghệ thuật. Tiểu thuyết văn học là thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua các nhân vật và sự việc để phản ánh bức tranh cuộc sống và những vấn đề của xã hội, biểu hiện tính kể chuyện bằng văn xuôi theo những chủ đề xác định.

Kịch bản điện ảnh là một bản nội dung dùng cho việc quay một bộ phim… Trong đó có miêu tả hành động, sự việc, cốt truyện, nhân vật, lời thoại, trang phục, thời lượng phim, vị trí góc quay…. Kịch bản thường được viết dưới dạng văn bản tường thuật, lời thoại và hành động phải chi tiết, dễ hiểu để cho cả ekip làm phim cùng đọc và làm việc với nhau khi quay một bộ phim. Ngoài mục đích kể chuyện, kịch bản phim còn có nhiệm vụ chỉ dẫn cho ekip biết cần quay cái gì, diễn xuất ra sao, dựng phim thế nào…

Nhà văn Đoàn Minh Phương – cũng là đạo diễn của bộ phim ‘Hạt Mưa Rơi Bao Lâu’ cho biết: “Làm phim hay viết văn cũng là kể một câu chuyện. Tuy nhiên, tôi cho rằng văn học và điện ảnh khác xa nhau. Văn chương riêng tư hơn và sâu hơn, chữ viết có thể dẫn độc giả đến bất cứ tầng nào của nội tâm. Còn điện ảnh thì khác, điện ảnh tác động trước tiên đến thị giác của khán giả”.

Victor Vũ – đạo diễn phim ‘Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh’ – một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của tác giả Nguyễn Nhật Ánh thì chia sẻ: “Việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim không dễ dàng. Bởi tiểu thuyết được viết để trở thành tiểu thuyết. Còn phim đòi hỏi những quy tắc nhất định. Nên sẽ rất bình thường khi phim chuyển thể xuất hiện những tình tiết và có cấu trúc mới để trở thành một tác phẩm độc lập. Đừng đòi hỏi kịch bản điện ảnh phải như truyện văn học…”.

Kịch bản điện ảnh khác với tiểu thuyết văn học như thế nào?

Qua những khái niệm và chia sẻ của những nhà văn, đạo diễn nổi tiếng nói trên. Chúng ta sẽ có những điều khác biệt trong việc viết một kịch bản điện ảnh so với việc viết một tiểu thuyết văn học như sau:

1. Tiểu thuyết văn học là nơi tác giả thả trí tưởng tượng, thoả sức sáng tạo, xây dựng hình ảnh của riêng mình và tạo không gian cho trí tưởng tượng của độc giả. Kịch bản chỉ cho phép người biên kịch viết những gì mắt thấy, tai nghe.

Lấy ví dụ đoạn miêu tả nhân vật Michael Corleone bắn Sollozzo và McCluskey trong tiểu thuyết Bố Già:

“Michael ra ngồi bàn. Nó nhớ Clemenza dặn đi ra là nổ liền nhưng không hiểu vì có linh tính hay vì chết nhát mà chưa dám. Rõ ràng nó có cảm giác bây giờ mà có một cử động khác lạ là bị quất sụm ngay. Ngồi xuống yên trí hơn nhiều, ít ra không đến nỗi chân run run đứng hết nổi”.

Như ta thấy đoạn văn trên có thể miêu tả kỹ nội tâm nhân vật Michael, lý giải lý do rằng tại sao anh ta lại ra ghế ngồi chứ không bắn ngay, rằng anh ta đang lo lắng. Nhưng trong bộ phim chuyển thế từ tiểu thuyết Bố Già, cảnh này ta thấy nét mặt Michael vẫn khá bình tĩnh, rõ ràng là vậy rồi, nếu anh ta tỏ ra quá lo lắng trên nét mặt sẽ bị 2 gã kia phát hiện ra, còn nội tâm anh ta ra sao, đơn giản là điện ảnh không thể đào sâu đến đó được.

Michael Corleone
Cảnh Michael bắn Sollozzo và McCluskey trong phim Bố Già

Đúng như ông Đoàn Minh Phương đã chia sẻ phía trên: “Văn chương riêng tư hơn và sâu hơn, chữ viết có thể dẫn độc giả đến bất cứ tầng nào của nội tâm”. Nhưng điện ảnh là nghệ thuật nghe nhìn, ta chỉ viết những gì nhìn thấy và nghe thấy trên màn ảnh. Tiểu thuyết văn học sẽ bay bổng hơn, cần nhiều lời văn hơn để mô tả nhằm cho phép độc giả tưởng tượng câu chuyện trong trí óc của chính họ; còn kịch bản phim cần cụ thể hơn, hữu hình hơn, không cần dùng nhiều từ ngữ mô tả mà các đoạn thoại sẽ thúc đẩy câu chuyện tiến triển. Vậy nếu viết đoạn kịch bản trên theo đúng những gì phim chuyển thế Bố Già đã làm thì ta có đoạn văn sau:

“Michael xuất hiện trước lối vào phòng ăn (vẻ mặt khá bình tĩnh). Sollozzo và McCluskey ngoảnh lại nhìn khi Michael xuất hiện. Michael đứng đó trong khoảng 3 giây sau đó chậm rãi bước về phía ghế ngồi. Sollozzo nhìn Michael (ánh mắt dò xét), McCluskey tiếp tục ăn”.

2. Tiểu thuyết văn học gần như không giới hạn về độ dài và tác giả có thể tuỳ ý chia nội dung thành từng chương theo dụng ý của mình. Kịch bản phim cần tuân theo một thời lượng nhất định và có một định dạng cụ thể…

…như là một trang kịch bản sẽ là khoảng bao nhiêu phút phim, một bộ phim thường sẽ dài khoảng 120 phút, từ đó ta sẽ giới hạn được số trang kịch bản ta cần viết. Ngược lại, sau khi đã hoàn thành kịch bản, biết được số trang kịch bản là bao nhiêu, việc này cũng giúp nhà làm phim ước tính chính xác thời lượng phim, chi phí sản xuất và ước chừng được mạch phim, nhịp độ phim…

viết kịch bản khác với viết truyện, viết tiểu thuyết

Khi viết truyện hay viết tiểu thuyết, nhà văn có thể tuỳ ý chia nội dung theo từng phần, từng chương tuỳ theo ý đồ câu chuyện của họ, còn kịch bản phim được viết và chia theo từng cảnh quay. Do đó mà biên kịch sẽ cần viết “đường dây phân cảnh” trước khi đi vào viết chi tiết. “Đường dây phân cảnh” là đường dây câu chuyện với các cảnh quay sẽ diễn ra trên phim. Bao gồm các thông tin cảnh quay đó diễn ra ở đâu, ngày hay đêm, sự kiện gì, tình huống gì, diễn viên cần làm gì…

Nhìn vào các cảnh quay đó, nhà làm phim sẽ có cái nhìn tổng quát về phim, để xác định kịch bản đã chặt chẽ chưa, bấy nhiêu cảnh quay như vậy đã đủ chưa, cần thêm cảnh quay nào, hay bớt phân cảnh nào không, cần quay lại cảnh nào không…

Phía trên là chia sẻ của Blog Văn học Điện ảnh về việc viết kịch bản điện ảnh khác với viết tiểu thuyết văn học như thế nào? Còn quan điểm của quý độc giả là gì? Hãy comment phía dưới nhé!

—————————————————————————————————
Bài viết liên quan

One thought on “Kịch bản điện ảnh khác với tiểu thuyết văn học như thế nào?

  1. says:

    Mình nói kỹ hơn về vấn đề lời thoại nhé, tiểu thuyết thường chủ yếu dựa vào một người kể chuyện toàn trí hoặc vào những suy nghĩ bên trong của nhân vật chính. Việc viết kịch bản liên quan đến việc phụ thuộc nhiều hơn vào lời thoại (ngoại lệ là lồng tiếng, điều mà các nhà làm phim có xu hướng sử dụng ít). Trong tiểu thuyết, các nhân vật được bộc lộ thông qua mô tả và độc thoại nội tâm, trong khi các nhà biên kịch phát triển nhân vật của họ thông qua hành động và đối thoại. Định dạng cho hội thoại cũng khác nhau ở cả hai phương tiện: Trong kịch bản phim, hội thoại xuất hiện dưới tên nhân vật, đôi khi đứng trước dấu ngoặc đơn mô tả cảm xúc hoặc cử chỉ của nhân vật. Trong một cuốn tiểu thuyết, người nói thường được ngụ ý thông qua ngữ cảnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!