Người ta thường gọi Higashino Keigo là bậc thầy trinh thám trong văn học Nhật Bản, nhưng với admin, ông còn là bậc thầy viết truyện tình cảm. Truyện tình cảm của Higashino Keigo không sến sẩm như truyện ngôn tình Trung Quốc, mà xoáy vào tâm can mỗi nhân vật với những đoạn miêu tả tâm lý tinh tế, phức tạp… và Bí mật của Naoko là một trong những tác phẩm như vậy!
* Bài viết tiết lộ nội dung cuốn sách
Đánh giá tổng quan tác phẩm Bí mật của Naoko
Higashino Keigo là một trong những nhà văn trinh thám hàng đầu Nhật Bản nên nhiều người vẫn nhầm tưởng cuốn Bí mật của Naoko là tiểu thuyết trinh thám, nhưng chính xác mà nói thì đó là cuốn tiểu thuyết về tình cảm gia đình, về tình cảm vợ chồng, đi kèm với những tình tiết kỳ bí và chỉ một chút yếu tố trinh thám.
Không giống như những truyện trinh thám của Higashino Keigo với tiết tấu nhanh và những tình huống “căng như dây đàn”. Bí mật của Naoko có tiết tấu chậm với những miêu tả về cuộc sống đời thường của hai nhân vật chính, nhưng không vì thế mà câu chuyện kém phần hấp dẫn, với cách đặt vấn đề độc đáo và những tình tiết kỳ bí, cuốn sách vẫn cuốn mình theo từ trang này sang trang khác. Tuy vậy, như hầu hết truyện trinh thám khác của nhà văn này, câu chuyện vẫn khiến người đọc phải day dứt, có lẽ đó là “đặc sản” của Higashino Keigo.

Cốt truyện của tác phẩm xoay quanh người đàn ông tên Heisuke, cuộc sống của anh ta đang diễn ra hết sức bình lặng, cho tới một ngày một vụ tai nạn xe khách khủng khiếp xảy ra, và anh ta mất đi người vợ yêu quý, còn Monami – đứa con gái bé bỏng thì vẫn hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái anh tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko – vợ anh ta. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thân xác của Monami, còn linh hồn Monami thực sự đã chết.
Qua tình huống chuyện ta thấy câu hỏi được đặt ra rằng một gã đàn ông phải làm thế nào nếu linh hồn của vợ sống trong thể xác của con gái mình? Một phụ nữ ở nhà làm nội trợ sẽ làm gì nếu có cơ hội xây dựng lại một cuộc đời nhiều hối tiếc của mình?
Tuy câu chuyện phần nhiều được kể theo góc nhìn của người chồng – Heisuke, nhưng sự tương tác và hội thoại của hai vợ chồng rất nhiều, nên có thể xem như cuốn tiểu thuyết này có hai nhân vật chính. Vì thoại nhiều nên người đọc cũng không mất công tưởng tượng nhiều mà sẽ hiểu nhanh vấn đề đang xảy ra là gì, đây cũng là nét khác biệt với những tác phẩm trinh thám của Higashino Keigo.
Nói chung Bí mật của Naoko là một cuốn tiểu thuyết hay, chứng tỏ nhà văn Higashino Keigo viết truyện không bị một màu, tạo động lực cho độc giả khám phá tiếp những tác phẩm của ông.
Dưới đây bài viết sẽ phân tích hai nhân vật chính Heisuke và Naoko theo quan điểm của Blog Văn học Điện ảnh nhé!
Phân tích nhân vật Heisuke
Heisuke là một người đàn ông rất yêu gia đình, nhưng anh cũng có những dục vọng của một gã đàn ông, anh từng xem tạp chí khiêu dâm, từng mê đắm nhan sắc của cô giáo của “con gái” mình, từng đến phố đèn đỏ. Tuy vậy, Heisuke vẫn chưa bao giờ thôi yêu vợ mình, dù Naoko giờ đây không thể đáp ứng nhu cầu xác thịt cho chồng, vì cơ thể đó đang có một nửa dòng máu của Heisuke.
Một trong những đoạn khiến ad cảm động là khi Naoko bảo Heisuke hãy cưới vợ mới, sống tiếp cuộc đời của mình. Anh đã từ chối và nói “anh có Naoko rồi”. Heisuke cũng ghen với mọi chàng trai tiếp cận “con gái” khi nàng đến tuổi trưởng thành.
Nhưng cuối cùng, Heisuke cũng chấp nhận để Naoko trong thân xác Monami đi trượt tuyết với bạn theo ý muốn, nghĩa là anh muốn nàng hạnh phúc, anh muốn con gái anh được lớn lên như bình thường, chính anh đã là người quyết định xem Naoko là Monami. Dù rằng khi kết truyện, khi biết bí mật của Naoko, anh đã ngồi thụp xuống ôm mặt khóc đến khản cả giọng.
Phân tích nhân vật Naoko
Trước khi biến cố xảy ra, Naoko là một người vợ đảm đang và hết mực yêu gia đình, cô yêu con và yêu chồng mình mãnh liệt. Điều đó vẫn vậy trong những ngày đầu tiên mang hình hài con gái mình. Con gái cô – Monami, thường mang theo bên mình con gấu bông, và để đóng vai con gái mình một cách hoàn hảo trước mặt mọi người, cũng để thể hiện tình yêu với chồng mình, cô đã dùng chiếc nhẫn cưới của cô giấu vào trong con gấu.
Tuy nhiên, khi mang hình hài của con gái mình trong suốt mười năm, có 4 yếu tố khiến Naoko dần thay đổi và đi đến quyết định ở cuối truyện.
Thứ nhất, tuy lý trí của cô vẫn là Naoko, vẫn là một phụ nữ trưởng thành, cô vẫn còn tình cảm với chồng mình, thậm chí có thể nói là không hề thay đổi trong suốt mười năm, cô cũng muốn làm tròn trách nhiệm của một người vợ thuỷ chung son sắt. Nhưng về mặt cơ thể cô vẫn là Monami, cô vẫn sở hữu bộ não của con gái mình (trước đây cô không giỏi toán nhưng giờ đây cô lại học tốt môn này…); cơ thể cô cũng là một thiếu nữ, cô vẫn có trong mình những phản ứng hoá học, sinh học trước mọi thứ như một thiếu nữ và chịu tác động của chúng (cô có những khoảnh khắc ngại ngùng với “bố” khi bước vào tuổi dậy thì và bộc lộ bản năng muốn được những cậu trai chỉ đáng tuổi con cô săn đón, mà không hề nhận thức được rằng đó gần như một hành động ngoại tình…).
Thứ hai, khi được trao cơ hội sống lại một cuộc đời mới, cô đã nhanh chóng bộc lộ khao khát được sống “khác” đi, cô muốn có một tuổi trẻ sôi nổi hơn so với tuổi trẻ của cô trước đây, cô muốn mình trở thành một phụ nữ tự làm chủ được kinh tế chứ không cần dựa dẫm vào người đàn ông.
Thứ ba, theo admin nghĩ rằng Naoko vẫn hy vọng một ngày nào đó con gái của cô quay trở lại cơ thể, cô rất thương con gái, luôn nghĩ làm thế nào mới là tốt cho con, lỡ một ngày Monami trở lại, cô bé đang được học ở trường tốt nhất, có một tương lai rực rỡ nhất…
Cuối cùng, dù tình yêu giữa cô và Heisuke có rất nhiều trắc trở, cô vẫn muốn vun vén cho tình cảm của hai người, cô đã dùng lý trí của một phụ nữ trưởng thành để chống lại những cảm xúc trong cơ thể của một thiếu nữ, cô còn dùng tình dục để hâm nóng lại tình cảm với chồng mình dù đây không thực sự là cơ thể của cô… Cho đến một ngày chính Heisuke đã muốn coi cô như “con gái”.
Ngày hôm đó Naoko đã khóc suốt một ngày, theo phân tích của admin thì cô khóc vì sự rạn nứt giữa hai vợ chồng, sau đó cô tiếp tục khóc khi lập ra kịch bản để Naoko “biến mất” trước mắt Heisuke, để anh cảm nhận được tình yêu của cô dành cho anh là rất lớn, để hai người có một cái kết thanh thản nhất, dù không biết lúc để bản thân mình “biến mất”, cô đã thực sự đau đớn đến thế nào?
Bí mật của Naoko lẽ ra đã rất hoàn mỹ, khi Heisuke, cơ thể của Monami và linh hồn của Naoko được sống tiếp quãng đời còn lại trong thanh thản… nếu như Naoko không cố chấp đem theo chiếc nhẫn cưới với Heisuke, để đeo nó suốt đời. Nhưng dù sao hai người đã chọn cách im lặng, vì đó là quyết định ít đau đớn nhất.
Vừa rồi là bài phân tích tiểu thuyết Bí mật của Naoko theo quan điểm của Blog Văn học Điện ảnh, nếu thấy hay có thể ủng hộ blog của mình bằng một lượt share nhé!
Xem thêm: Review sách Phía Sau Nghi Can X – kiệt tác trinh thám của văn học Nhật Bản