Phim chiếu rạp và Phim truyền hình khác nhau như thế nào?

"Chuyện tào lao"
Phim chiếu rạp và Phim truyền hình khác nhau như thế nào?

Phim điện ảnh chiếu rạp và Phim truyền hình đều có những đặc trưng riêng. Nhưng hai loại phim này đều mang chung một loại ngôn ngữ “điện ảnh”, cùng mang một loại tư duy gọi là “tư duy điện ảnh”. Vậy thì điểm giống và khác giữa 2 loại phim này là gì? Hãy cùng admin tìm hiểu về Phim chiếu rạp và Phim truyền hình qua bài viết sau đây nhé!

Phim truyền hình là gì?

Phim truyền hình là loại phim được sản xuất đại trà để phát sóng một cách rộng rãi trên các kênh truyền hình hay các trang web chiếu phim…

Phim truyền hình có thể được thu trên băng từ, phim nhựa 16 ly hoặc đĩa kỹ thuật số. Đặc điểm chung của phim truyền hình là khuôn hình hẹp, cỡ cảnh lớn hơn phim chiếu rạp do giới hạn về độ lớn và chiều sâu, cũng như độ nét của màn hình TV.

Do đó, loại phim này có những hạn chế về thẩm mỹ nhất định so với phim chiếu rạp. Phim truyền hình có giá rẻ hơn phim chiếu rạp do kỹ thuật làm phim có phần đơn giản hơn. Song, để làm được phim truyền hình ăn khách vẫn là công việc đòi hỏi sự sáng tạo không kém so với làm phim điện ảnh.

phim truyền hình là gì?

Phim truyền hình có nhiều loại như phim gia đình, phim hoạt hình và cả phim tài liệu. Tuy không thu tiền từ người xem một cách trực tiếp, nhưng phim truyền hình có thể kiếm tiền khi chèn những quảng cáo xen kẽ trong thời gian chiếu phim. Thêm vào đó, một phần trong doanh thu phim truyền hình cũng đến từ cước phí truyền hình cáp, hay khi trước đây còn có nguồn thu khi phát hành đĩa VCD, DVD…

Phim chiếu rạp là gì?

Phim nhựa, phim chiếu rạp hay phim điện ảnh là loại phim được chế tác để chiếu tại các rạp. Sản xuất phim điện ảnh thường đỏi hỏi nhiều kinh phí cũng như kỹ thuật quay dựng phức tạp hơn phim truyền hình.

Phim điện ảnh được chế tác từ những vật liệu như polyme, bromide bạc, gelatin. Nó có độ nhạy sáng và mịn hạt cao nên hiệu quả dựng hình và tính nghệ thuật thẩm mỹ cao hơn phim truyền hình.

Kích thước phổ biến của phim chiếu rạp là 8mm, 16mm, 35mm và 70mm. Ngày nay phim điện ảnh chủ yếu sử dụng phim màu 35mm.

phim chiếu rạp
Doanh thu chủ yếu của Phim điện ảnh đến từ tiền bán vé tại rạp chiếu phim.

Trước đây, các nhà làm phim thường mơ ước làm phim điện ảnh để thỏa mãn khát khao nghệ thuật của mình bởi ưu thế hơn hẳn của phim chiếu rạp so với phim truyền hình là hiệu quả thẩm mỹ khi phim được chiếu ở màn ảnh lớn tại rạp.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ làm phim, các nhà sản xuất sử dụng máy quay kỹ thuật số đã có thể mô phỏng lại màu phim nhựa khi hậu xử lý. Điều này không những giúp giảm các chi phí khi quay bằng phim nhựa như bảo quản và rửa phim, mà còn giúp nhà sản xuất phim đạt được tính thẩm mỹ như mong muốn.

Phim chiếu rạp và Phim truyền hình khác nhau như thế nào?

So sánh Phim truyền hình và Phim điện ảnh chiếu rạp cũng giống như so sánh Tiểu thuyết và Truyện ngắn; chúng có vẻ giống nhau về chất liệu (hình ảnh và âm thanh), nhưng lại có những thước đo đặt ra cho từng thể loại khiến thước đo chất lượng của thể loại này có thể không giống thể loại kia.

Phim Godzilla 2014
Phim chiếu rạp thường được các nhà sản xuất đầu tư với kinh phí “khủng” nên kỹ xảo sẽ hoành tráng hơn (Ảnh: Phim Godzilla 2014)

Trước tiên, về mặt công nghệ, với phim điện ảnh thì nhà làm phim cần những máy quay phim có độ phân giải hình ảnh rất cao (4K trở lên). Nó cho phép thu hình ở những chi tiết nhỏ nhất, có thể quay được những chuyển biến tâm lý trong nét mặt của các nhân vật theo cách tinh tế nhất bằng nghệ thuật bố quang chuẩn mực. Đẳng cấp của công nghệ này cho phép thước phim thể hiện được những nội dung phức tạp hơn, có chiều sâu hơn về tâm lý nhân vật, nhằm hướng tới những biểu đạt mang tính điển hình và trường tồn với thời gian. Phim truyền hình có những góc quay riêng của nó, nhưng đa phần là lặp lại giống nhau, còn phim chiếu rạp đôi khi có những góc quay sáng tạo hơn, “nghệ” hơn.

Phim chiếu rạp có độ dài thường thấy là 120 phút (hoặc hơn), khán giả khi bước vào rạp phim cần có độ tập trung nhất định để thể thưởng thức nội dung phim có thông điệp nhiều tầng, nhiều ý nghĩa ngay cả ở những khoảnh khắc nhỏ nhất. Không giống như phim truyền hình thường diễn biến chậm, phim điện ảnh với thời lượng hạn chế và tiết tấu nhanh, đôi khi có những bộ phim nếu chỉ bỏ lỡ vài phút phim thì khán giả sẽ khó cảm nhận được cái hay của phim.

Cách biểu đạt của phim điện ảnh đôi khi rất phá cách, đòi hỏi sự liên tưởng và trình độ thẩm thấu nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ của khán giả. Một đặc điểm khác về mặt biểu đạt của phim chiếu rạp là các tình huống phim thường ít thoại, trong một số bối cảnh đặc biệt, người xem cần có độ tập trung cao để không bỏ lỡ những biểu cảm không lời của nhân vật, vốn là những thông điệp mà nhân vật muốn biểu đạt.

Của Để Dành - một trong những bộ phim đặc sắc của truyền hình Việt Nam
Của Để Dành – một trong những bộ phim đặc sắc của truyền hình Việt Nam

Phim truyền hình ở cấp độ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn, phim truyền hình phát trên màn ảnh nhỏ đòi hỏi kỹ thuật quay dựng đơn giản hơn. Nhưng phim truyền hình nhờ độ dài nhiều tập của nó, các tình tiết hay các mâu thuẫn kịch sẽ được miêu tả kỹ lưỡng, nhằm phân tích các nguyên cớ hành động của nhân vật một cách dễ hiểu và dung dị nhất, gần nhất với đời sống thường nhật hơn phim điện ảnh. Cũng có thể nói kịch bản một phim truyền hình sẽ chặt chẽ hơn so với phim điện ảnh chiếu rạp.

Bên cạnh đó, loại phim này có độ tiếp cận đến nhiều người hơn, hướng tới đại đa số công chúng hơn với nhiều tầng lớp xã hội, nhiều thế hệ trong gia đình…nên cốt truyện phim thường phản ánh cuộc sống thường nhật gần gũi hơn. Có rất nhiều vấn đề xã hội mà chỉ phim truyền hình mới chuyển tải kịp thời cũng như đủ sức lan toả tới đại đa số công chúng.

Lấy ví dụ 2 bộ phim đang rất hot ở thời điểm admin đang viết bài này là phim truyền hình ‘Đi giữa trời rực rỡ’, bộ phim kể về câu chuyện xa quê đi học của một cô gái vùng cao, đó là một cốt truyện rất đời thực gần gũi. Còn bộ phim chiếu rạp ‘Làm giàu với ma’ là tác phẩm điện ảnh mang màu sắc giả tưởng, xoay quanh một thanh niên có khả năng nhìn thấy hồn ma, đề tài của phim điện ảnh thường sáng tạo hơn, gây tò mò cho khán giả nhiều hơn.

Về phần diễn xuất, phim truyền hình thường ít đòi hỏi trình độ diễn xuất hơn phim điện ảnh, phim truyền hình thường làm rất nhanh trong một cảnh quay, tiến độ công việc thường yêu cầu nhanh hơn, diễn viên không có nhiều thời gian “mài ống kính”. Còn với phim chiếu rạp, ê-kíp làm phim sẽ cho diễn viên thời gian để tập trung hoá thân nhân vật, có quyền diễn lại sao cho đạt nhất.

Phim điện ảnh thường quay chừng nửa năm đến một năm, đạo diễn sẽ chậm rãi chăm chút từng cú quay, cuối cùng cho ra một sản phẩm khoảng chừng 2 tiếng, 2 tiếng đồng hồ này là những tinh tuý được mài giũa rất tỉ mỉ. Phim truyền hình thường quay mấy chục tập, thời gian chế tác cũng khoảng nửa năm đến một năm, đạo diễn cơ bản là không có thời gian cho diễn viên quay đi quay lại nhiều lần.

Có thể thấy nhiều diễn viên thực lực thường đi lên từ phim truyền hình, và khi đã nổi tiếng họ thường chọn đóng phim điện ảnh để thể hiện khả năng diễn xuất cũng như nhận được mức cát-xê cao hơn.

Thưởng thức Phim điện ảnh và Phim truyền hình như thế nào?

Phim chiếu rạp và Phim truyền hình khác nhau như thế nào?

Phim truyền hình và Phim chiếu rạp đều có thế mạnh riêng. Phim truyền hình có khả năng phản ánh đời sống gần gũi hơn, có tính giáo dục dễ tiếp thu với đại chúng hơn. Phim truyền hình có nhiều tập nhưng mỗi tập thường ngắn (khoảng 45 phút), mạch phim cũng chậm, nên không cần sự tập trung quá cao vào một thời điểm như phim điện ảnh, phim cũng không lấy quá nhiều thời gian trong một ngày của người xem, vì người xem có thể xem mỗi ngày 1 tập phim.

Còn phim điện ảnh có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh cô đọng trong một lần đi xem phim, phim không kéo dài trong nhiều ngày nên về góc độ này cũng ít gây mệt mỏi phải theo dõi cho người xem hơn, nhưng loại phim này lại cần sự tập trung cao độ vào một thời điểm nhất định. Nếu phim truyền hình là những thước phim ngắn thường nhật bên bữa cơm tại gia đình, thì phim điện ảnh sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những ngày nghỉ lễ, những buổi tối thứ 7 ra rạp xem phim dành cho những cặp đôi yêu nhau, những nhóm bạn bè hay cả gia đình…

Tuy khác nhau là vậy, nhưng Phim truyền hình và Phim điện ảnh đều là những tác phẩm nghệ thuật dùng chất liệu là hình ảnh và âm thanh để kể một câu chuyện, để làm gợi lên hơi thở cuộc sống. Thể loại này vẫn có thể sử dụng đặc trưng nghệ thuật của thể loại kia và tồn tại dựa trên sức mạnh đặc trưng thể loại của mình. Hai thể loại điện ảnh này sẽ không loại trừ nhau, mà sẽ cùng tồn tại khi cuộc sống cần đến nó.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!