Phim chuyển thể: Từ nghệ thuật của ngôn từ đến nghệ thuật của hình ảnh

"Chuyện tào lao"
Văn học Điện ảnh

Các tác phẩm văn học và những bộ phim không chỉ là những xúc cảm, những câu chuyện ý nghĩa, mà còn là một nhịp cầu tri thức để ta hiểu biết hơn về xã hội và thế giới xung quanh. Blog Văn học Điện ảnh sẽ nêu quan điểm trong việc sáng tạo nên một bộ phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học.

Khái niệm phim chuyển thể

Phim chuyển thể hay còn gọi là Phiên bản điện ảnh hóa là việc chuyển thể toàn bộ hoặc một phần của một tác phẩm nghệ thuật khác sang hình thức một bộ phim.

Mặc dù thường được coi như một tác phẩm phái sinh nhưng đến hậu kỳ hiện đại phim chuyển thể dần được các học giả khái niệm hóa thành một phương pháp đàm thoại. Hình thức chuyển thể phổ biến là việc sử dụng cốt truyện tiểu thuyết làm nền tảng nội dung cho một phim điện ảnh.

áp phích phim con chim vành khuyên
Nhà lý luận, phê bình điện ảnh Trần Luân Kim cho rằng: “Tính văn học trong điện ảnh chiếm vị trí mấu chốt vì nó quyết định nội dung tác phẩm”.

Sự giống và khác nhau giữa văn học và điện ảnh

Văn học và điện ảnh là 2 loại hình trong “7 môn nghệ thuật cơ bản”. Nếu văn học là nghệ thuật của ngôn từ, thì điện ảnh là nghệ thuật của hình ảnh và âm thanh. Tác phẩm văn học là lời kể về một thế giới hiện hình, còn điện ảnh là cả thế giới hiện hình cụ thể để kể một câu chuyện.

Tác phẩm văn học thường khám phá trạng thái tâm lý nhân vật, đưa ra những suy tư sâu sắc qua chất liệu ngôn từ, qua những trang sách. Trái lại, tác phẩm điện ảnh thể hiện qua hình ảnh, diễn xuất, âm nhạc và trao gửi những thông điệp đến khán giả một cách trực quan.

Tác phẩm văn học có ưu thế về ngôn từ khi miêu tả tâm trạng và tư duy của nhân vật được tỉ mỉ và chau chuốt hơn, trong khi phim ảnh làm điều ấy khó hơn rất nhiều. Nhưng bằng chất liệu là hình ảnh, những cảnh phim hoành tráng, bi thương, nét mặt của nhân vật, đi kèm với những bản nhạc nêu đúng tinh thần của bộ phim… thì điện ảnh truyền tải nó tốt hơn và gây ấn tượng rất mạnh. Mỗi thể loại có ưu điểm riêng và hạn chế nhất định.

Văn học và điện ảnh
Kịch bản điện ảnh thực chất cũng là văn chương. Vậy nên có thể nói điện ảnh là “văn học hiện hình”.

Tuy khác nhau về chất liệu, song văn học và điện ảnh lại có một điểm chung là tính tổng hợp. Cả 2 đều thu vào mình các thành tựu của những môn nghệ thuật khác. Thậm chí, chính 2 loại hình này cũng thâm nhập, ảnh hưởng lẫn nhau. Nhờ vậy mà những bộ phim, những cuốn sách, đang ngày càng trở nên phong phú, mở ra chân trời nghệ thuật cho người thưởng thức.

Sự kết hợp giữa văn học và điện ảnh là một phần quan trọng của lịch sử văn hoá nghệ thuật, giúp tái sinh những tác phẩm văn học kinh điển và truyền cảm hứng cho thế hệ mới. Từ năm 1935, trong bài viết văn học với điện ảnh, tác giả M. Gorki đã kêu gọi các nhà văn nên tham gia vào điện ảnh và cho rằng tác giả văn học và đạo diễn là “hai lực lượng không thể riêng biệt mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau”.

Yếu tố tác động đến quá trình chuyển thể một tác phẩm văn học thành điện ảnh

Người ta thường so sánh 2 phiên bản để đánh giá xem phim chuyển thể có truyền đạt tốt tư tưởng của nguyên tác hay không. Đối với một số bộ phim không thành công khi chuyển thể từ văn học vì đã làm mất đi thông điệp của tác phẩm văn học.

Ví dụ như bộ phim Cậu Vàng của điện ảnh Việt, dù được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam song lại là một thất bại thảm hại tại các phòng vé, bộ phim bị tẩy chay vì đã thay đổi quá nhiều so với tác phẩm gốc, gây ra sự thất vọng cho những người yêu thích nguyên tác. Bộ phim Kiều cũng chung số phận khi bị đánh giá là “thảm hoạ”, bị cho là không xứng với tác phẩm văn chương.

phim Cậu Vàng
Khi chuyển thể văn học thành một bộ phim, người ta rất dễ hiểu sai và làm mất đi thông điệp ban đầu.

Hay như trường hợp của nhà văn Bảo Ninh với Nỗi Buồn Chiến Tranh, vị tác giả đã tuyên bố không dính dáng gì đến bộ phim sau khi đọc kịch bản và thấy không còn giống tác phẩm của mình, ông không nhận nó và người ta đã ngừng làm phim. Nhà văn Milan Kundera thậm chí cấm tiệt việc chuyển thể bất ký tác phẩm nào của mình thành phim vì quá thất vọng với Đời Nhẹ Khôn Ram – bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của ông.

Bên cạnh đó, yếu tố diễn xuất cũng cần được lưu tâm khi chuyển thể văn học thành điện ảnh. Tác phẩm văn chương có giọng điệu riêng, trong khi một số tác phẩm điện ảnh có thể mất đi giọng điệu và phong cách này, hoặc không thể truyền đạt chính xác nếu diễn viên không thể hiện đúng tính cách và tâm trạng của nhân vật như trong nguyên tác văn học.

Điều này có thể làm mất đi sự kết nối với nhân vật, không cảm nhận được tâm lý hoặc quá trình phát triển nhân vật như cách mà nguyên tác văn học đề cập; gây ra sự thiếu thiện cảm hoặc không thể đồng cảm với nhân vật, từ đó khán giả có thể không đánh giá đúng giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Mặt khác, nếu các diễn viên tương tác với nhau không tự nhiên, hệ thống đường dây cốt chuyện và các mối quan hệ giữa các nhân vật có thể trở nên không thuyết phục, mất đi sự hấp dẫn của tác phẩm.

Nhà làm phim cần làm gì khi chuyển thể văn học thành điện ảnh?

Một bộ phim điện ảnh không thể trung thành 100% với một cuốn tiểu thuyết gốc. Không có phim chuyển thể nào có thể trung thành hoàn toàn với tác phẩm văn chương vì mỗi loại hình nghệ thuật có chất liệu riêng. Về mặt thời lượng, nếu tiểu thuyết dài trung bình khoảng 300 trang, nhà làm phim cần xử lý khéo léo trong khoảng 120 phút của một tác phẩm phim.

Người làm phim có thể thay đổi một số chi tiết nhưng vẫn phải chuyển tải làm sao để khán giả vẫn nhận ra chất liệu từ tác phẩm văn học và hiểu rõ những thay đổi đó của nhà làm phim nhằm mục đích gì. Ví dụ như bộ phim Tây Du Ký 1986, trong tác phẩm gốc của Ngô Thừa Ân có những đoạn miêu tả rất rùng rợn, kinh dị và máu me. Nhưng bộ phim chuyển thể được chiếu trên truyền hình với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, có cả người già, trẻ em; do đó đạo diễn Dương Khiết đã loại bỏ những cảnh không phù hợp, nhằm hướng đến một bộ phim mang tính đại chúng cao hơn, bộ phim đã cực kỳ thành công và vẫn được phát lại trên truyền hình suốt nhiều năm liền tại nhiều quốc gia khác nhau.

Đã có rất nhiều tác phẩm của Việt Nam cũng như thế giới đã thành công khi chuyển thể văn chương sang điện ảnh, những phiên bản điện ảnh thể hiện sự trung thành và sáng tạo trong việc tái tạo cốt chuyện cho nghệ thuật điện ảnh. Đó là Tướng Về Hưu, Chị Dậu, Con Chim Vành Khuyên, Mẹ Vắng Nhà, Bến Không Chồng, Trăng Nơi Đáy Dưới, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Thuỷ Hử, Anna Karenina, Chúa Tể Của Những Chiếc NhẫnNhà Tù Shankshank, Giết Con Chim Nhại, Kiêu Hãnh Và Định Kiến, Bố Già (không phải của Trấn Thành nhé)….

The Shawshank Redemption
The Shawshank Redemption (Nhà Tù Shawshank), phiên bản phim điện ảnh dựa trên truyện ngắn của nhà văn Stephen King – là bộ phim Top 1 IMDB, được đánh giá rất cao về cốt truyện, diễn xuất và âm nhạc.

Nhà làm phim cần hiểu sâu tác phẩm gốc, gồm cả cốt truyện, nhân vật, thông điệp và hình thức thể hiện tác phẩm. Điều này đảm bảo nhà làm phim có thể truyền tải đúng tinh thần của tác phẩm. Thay vì cố sao chép chính xác, cần tạo ra một phiên bản tái tạo của câu chuyện để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh, nhưng không làm sai lệch tư tưởng của nguyên tác văn học.

Về diễn xuất diễn viên, khi chuyển đổi từ ngôn từ thành hình ảnh thì đòi hỏi phải có sự sáng tạo. Văn chương thường tập trung vào miêu tả nội tâm nhân vật. Trong khi tác phẩm phim phải diễn đạt thông qua hình ảnh và âm thanh, đây là sự khác nhau cơ bản nhưng lại hết sức thiết yếu. Điều cốt yếu là phải thể hiện đúng nhân vật, diễn xuất và giọng điệu của diễn viên, đây là yếu tố làm nên thành công của bộ phim. Vì vậy, việc lựa chọn diễn viên phù hợp và có sự đồng hành của một đạo diễn tài năng là yêu cầu cực kỳ quan trọng.

Trong quá trình làm phim, đôi khi sự hợp tác với tác giả hoặc gia đình tác giả có thể giúp tạo ra một phiên bản điện ảnh trung thực và thành công. Tác giả Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: “Văn học, nghệ thuật là một hoạt động mang tính cá nhân và trước hết phải có những tài năng… Nếu có sự giao tiếp giữa tác giả văn học và nhà sản xuất phim thì sẽ tốt hơn”. Sự phối hợp tốt giữa tác giả và ekip làm phim có thể góp phần làm nên thành công của bộ phim.

Tóm lại, việc giữ được tinh thần của tác phẩm văn học, trong khi vẫn cần phù hợp với khán giả mà bộ phim hướng đến là một quá trình khó khăn, phức tạp. Để góp phần xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, rất cần các nhà làm phim, các tác giả văn học, các đơn vị quản lý nhà nước và khán giả cần bình tĩnh, tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau một cách thiện chí và cầu thị. Nhiều thập kỷ qua, người làm điện ảnh khắp thế giới vẫn không ngừng tìm kiếm những cốt truyện từ các tác phẩm văn học đã thành công, để đưa đến khán giả dưới một hình thức nghệ thuật mới, văn học sẽ luôn là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh.

Xem thêm:

Top 7 phim chuyển thể từ văn học Việt Nam đặc sắc nhất!

Top 10 phim chuyển thể từ văn học đặc sắc nhất!

Bài viết liên quan

One thought on “Phim chuyển thể: Từ nghệ thuật của ngôn từ đến nghệ thuật của hình ảnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!