Tam Quốc Diễn Nghĩa là tác phẩm văn học được La Quán Trung dựa vào những tình tiết có thật trong lịch sử để sáng tạo lên. Những ai hâm mộ Tam Quốc có lẽ đều biết câu nói đánh giá thực lực của các hổ tướng: “Nhất Lã, nhị Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi”.
Tuy vậy, không ít người thắc mắc, tại sao một võ tướng có khá ít đất diễn như Điển Vi lại được xếp trên Quan Vũ, Trương Phi… Để giải thích cách xếp hạng này, ta có hiểu theo 3 lý do dưới đây.
Thứ nhất, nếu một võ tướng chỉ vì có ít đất diễn mà không được đánh giá cao, thì hẳn là Lã Bố đã không được xếp top 1
Lã Bố và Điển Vi là 2 võ tướng xuất hiện từ những hồi đầu tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa và “hẹo” tương đối sớm. Đọc những hồi này độc giả dễ dàng cảm nhận thấy cái bá khí ngút trời mỗi khi Lã Bố xuất hiện, Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố, tay cầm Phương Thiên Họa Kích lao vào trận là như một cỗ xe tăng, không ai đương nổi.
Ngoài Lã Bố, cái bá khí như vậy ta còn cảm nhận thấy trong những phân đoạn của Điển Vi, về sau cái bá khí ấy còn xuất hiện ở Quan, Trương, Triệu… Nhưng trong những hồi đầu, cùng thời với Lã Bố, hầu như ta chỉ thấy Điển Vi có những thể hiện tương tự. Trong những hồi đầu, Mao Tôn Cương đã so sánh sự dũng mãnh trên chiến trường giữa Lữ Bố và Điển Vi.
Thứ 2, Điển Vi xuất hiện ít, nhưng cực kỳ ấn tượng
– Điển Vi lần đầu xuất hiện khi được Hạ Hầu Đôn tiến cử, khi Hạ Hầu Đôn gặp Điển Vi là lúc Vi đang đuổi hổ chạy qua suối.
– Hạ Hầu Đôn còn kể: “Người này vì báo thù cho bạn mà giết người, náo loạn giữa phố, hàng trăm người đuổi theo nhưng không ai dám lại gần”.
– Một câu chuyện chứng minh sức mạnh của Điển Vi đó là ông từng một mình giữ vững lá cờ to khi có gió mạnh trong trại, trong khi nhiều binh lính hợp sức lại cũng không giữ được.
Sự kiện này sử ký có ghi chép lại và đều xuất hiện trong Tam Quốc Chí lẫn Tam Quốc Diễn Nghĩa, qua đó cho thấy sức mạnh hơn người của Điển Vi là sự thật lịch sử và ít ai sánh bằng.
– Vũ khí của Điển Vi là một đôi kích, nặng 80 cân (1 cân theo cách tính của Trung Quốc bằng 0,5kg). Loại vũ khí này rất nặng, tuy chưa nặng như Yển Nguyệt đao của Quan Vũ nhưng là loại vũ khí ít người dám dùng trên chiến trường, vì người dùng thành thạo vũ khí này phải có kỹ thuật cực kỳ tinh diệu.
– Ngoài việc sử dụng thành thạo song kích, võ tướng họ Điển còn có biệt tài sử dụng đoản kích để phóng từ tầm xa. Ông từng dùng vài chục đoản kích ném vào quân Lã Bố đang truy đuổi Tào Tháo, ông ném “không trượt phát nào”, mỗi lần ném là một người ngã ngựa. Ném hết đoản kích, ông tiếp tục dùng song kích cưỡi ngựa lao thẳng vào đánh tan đám quân ấy, đẩy lui 4 tướng, nhờ thế Tào Tháo mới thoát nạn.
– Điển Vi có khả năng lao vào nơi mũi tên hòn đạn mà không bị thương. Có lần ông cùng Lý Điển, Nhạc Tiến xông vào trại địch cứu Tào Tháo nhưng quân địch trên thành bắn tên xuống như mưa. Lý Điển, Nhạc Tiến đều phải lui nhưng Điển Vi vẫn dùng song kích gạt đỡ tên đạn, xông vào trại địch như chỗ không người, gặp được Tào Tháo, Điển Vi vừa đánh vừa bảo vệ Tháo thoát khỏi quân Lã Bố.
Thứ 3, Điển Vi tuy tử trận từ sớm, nhưng trận đánh này ông vẫn đánh cho quân địch kinh hồn bạt vía, và quân địch phải nhờ mẹo mới giết nổi ông
Không giống như Quan Vũ khi tử trận, là khi đang bỏ chạy đã bị quân Đông Ngô dùng câu liêm làm ngã ngựa, sau đó quân lính đè ra trói lại khá dễ dàng. Trương Phi khi chết cũng bị 2 tên vô danh tiểu tốt đâm chết khi đang ngủ khá là lãng xẹt. Trong khi võ tướng họ Điển có cái chết phải dùng 2 từ Bi Tráng.
Trương Tú – kẻ thù của Tào Tháo khi ấy, lo Tào Tháo có Điển Vi khỏe mạnh bảo vệ, nên dùng kế ăn cắp đôi thiết kích – món binh khí sở trường của Điển Vi. Thế là Trương Tú mời Điển Vi đến uống rượu cho say mềm rồi ăn cắp đôi thiết kích của Điển Vi, rồi đêm đó đốt lửa tấn công trại Tào. Điển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng chợt nghe tiếng ngựa và tiếng người reo hò, giật mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả, lại nghe tin Trương Tú kéo quân đến nên Vi vội vàng giật lấy kiếm của lính canh chạy ra ngoài thì thấy vô số quân kỵ, cầm chặt giáo dài đánh bừa vào trại.
Điển Vi đi bộ lăn xả vào đám kỵ binh ấy, chém giết một lúc chết vài chục người, quân kỵ ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến, hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau. Điển Vi không mặc áo giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm nhưng vẫn cứ lăn xả vào chém giết. Kiếm mẻ không dùng được, Vi vứt kiếm, 2 tay chụp ngay lấy 2 tên lính làm vũ khí quăng quật một lúc chết tám, chín người. Giặc thấy thế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại. Tên bắn như mưa, Điển Vi né tránh, gạt đỡ tên đạn và liều chết giữ vững cửa trại.
Nhưng khi quân Trương Tú cùng lúc đánh vào cửa trại khác nên cuối cùng tụ lại vây Điển Vi vào giữa, sau đó Điển Vi bị một mũi giáo đâm trúng lưng. Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết. Ông chết được nửa giờ rồi mà vẫn không ai dám đi qua cửa trước. Tào Tháo nhờ có Điển Vi chặn cửa trước nên thoát nạn.
Qua trận đánh này ta có thể thấy, Điển Vi tuy tử trận nhưng nhờ có Điển Vi mà Tào Tháo mới chạy thoát, thân là một võ tướng hộ chủ, thì chủ nhân sống sót thoát nạn đã là một chiến công lẫy lừng cho vị tướng đó rồi.
Hơn thế nữa, Điển Vi khi tử trận là khi bị trút rượu say mèm, bị mất đôi kích, chưa kịp mặc giáp và cưỡi chiến mã.
Vậy thì thử hỏi, một Điển Vi hoàn toàn tỉnh táo, sử đôi kích sở trường, có áo giáp và ngựa chiến, thì quân Tú sao giết nổi Vi? Nếu có đủ điều kiện tốt, hẳn là Điển Vi sẽ đột phá vòng vây, cứu Tào Tháo chạy thoát như bao lần khác mà thôi.
Trên đây là bài viết nêu ra lý do tại sao Điển Vi có thể xếp trên Quan Vũ và Trương Phi theo phân tích của Blog Văn học Điện ảnh, mong rằng các độc giả đã có những thông tin thú vị!
Xem thêm: Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa