Tiểu thuyết The Godfather (tựa Việt: Bố Già) của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo, dù nhìn theo góc độ nào cũng sẽ để lại nhiều bài học có thể áp dụng vào cuộc sống, Bố Già vẫn luôn là kiệt tác của văn học thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua.
* Bài viết tiết lộ nội dung cuốn sách
Giới thiệu tác phẩm Bố Già
Bố già xuất bản lần đầu năm 1969, đây là câu chuyện về một gia đình gốc Sicily tại Mỹ, gia đình mafia này được Vito Corleone, thường được gọi là “Bố già” (Godfather) gây dựng và lãnh đạo. Các sự kiện chính của cốt truyện xảy ra từ năm 1945 đến 1955, bên cạnh đó, câu chuyện cũng đề cập đến thuở nhỏ và giai đoạn thanh niên của “Bố già” Vito vào đầu thế kỷ XX.
The Godfather – cuốn tiểu thuyết kinh điển về thế giới ngầm
Tác giả Mario Puzo đã nhào nặn nên một cuốn tiểu thuyết khiến người đọc phải suy ngẫm lại bản chất của thiện và ác. Trong câu chuyện của Mario Puzo, những tên giang hồ cũng không hẳn xấu, cảnh sát thì chưa chắc đã tốt hoàn toàn, đó là một xã hội Mỹ ở cái thời nhập nhằng đen trắng, là một mảnh đất màu mỡ cho những phi vụ làm ăn bất chính hứa hẹn đem về những khoản tiền kếch xù.
Trong thế giới ấy, hình tượng nhân vật Don Vito Corleone được Puzo khắc hoạ đã trở thành hình tượng bất hủ trong lòng độc giả. Nhân vật “Bố Già” Vito gây ấn tượng bằng sự từng trải, từng câu nói đều được đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm sống trong thế giới ngầm. Nhân vật Michael Corleone (con trai út của Vito) từ một ‘thanh niên nghiêm túc’, cũng vì vòng xoáy của cuộc chiến trong thế giới ngầm mà dần đâm sâu vào thế giới đó, đến khi ngoảnh lại đã không còn đường lui…
Những thông điệp về giá trị gia đình
Tuy là một cuốn sách viết về thế giới ngầm, nhưng câu chuyện của Bố Già lồng ghép rất nhiều thông điệp giá trị về gia đình, một điều thiêng liêng cao đẹp luôn được đặt ở trung tâm, ngay cả trong một gia đình mafia.
Trong suốt sự nghiệp lãnh đạo gia đình mafia, ông trùm Vito không bao giờ ngừng quan tâm đến vợ con, ông từng nói rằng: “Gã đàn ông không quan tâm đến gia đình, không phải là đàn ông đích thực”. Trong một cảnh, ông trùm Vito đã dứt khoát không chụp ảnh cả gia đình cho đến khi nào có mặt Michael… Cách ông trùm Vito suy nghĩ, phát ngôn cũng như hành xử, đều lấy gia đình làm thước đo, làm trung tâm và luôn phân biệt rõ ràng việc gia đình với việc làm ăn, kinh doanh.
Ông cũng dạy các con của ông những bài học trong thương trường, trong thế giới ngầm và cả về đạo làm người, về nguyên tắc sống. Để rồi Michael, con trai út của ông, cũng dần dần học hỏi bố mình, rồi trở thành một phiên bản khác của ông.
Trong phân cảnh ông trùm Vito bị bắn trọng thương phải nhập viện, vì lo bố mình bị kẻ thù tiếp tục truy sát, Michael đã tới bệnh viện bảo vệ ông. Khi tới bệnh viện thấy “Bố Già” nằm trơ trọi một mình, Michael đã bảo với bố mình rằng: “Con đây bố! Bố đừng sợ nghe! Bố cứ nằm yên, bố đừng cụ cựa… có ai gọi bố đừng lên tiếng nghe! Tụi nó tính “thịt” bố… nhưng có con ở đây, bố yên trí, bố khỏi sợ!”.
Đó không chỉ là một câu trấn an, mà là một lời tuyên thệ – con sẽ bảo vệ bố, con sẽ vì gia đình mà chiến đấu. Hơn ai hết, “Bố Già” Vito hiểu rõ điều này, vậy nên tuy vẫn còn đau ngất vì đạn bắn, ông vẫn mỉm cười hạnh phúc!
Khí chất của người đàn ông xuất chúng
Một điều đặc biệt nữa ở tiểu thuyết Bố Già là tác phẩm cũng đậm chất đàn ông mà mọi cánh mày râu đều ước ao. Đó là hình tượng những người đàn ông đầy khí phách hiên ngang giữa đất trời, được nhà văn Mario Puzo định nghĩa qua “Don” Vito và “Don” Michael.
Hai ông trùm, hai người đàn ông đứng đầu gia đình, họ gánh vác tất cả, chiến đấu và tiêu diệt tất cả đối thủ theo đúng nghĩa đen, bằng bản lĩnh và cũng bằng cả tình yêu.
Khi người con đỡ đầu Johnny Fontane tới khóc lóc với ông trùm Vito, ông trùm đã gầm lên: “Mày phải hành động như một người đàn ông đi… Ôi chao, mày sống gần tao bấy nhiêu năm mà cư xử thế này sao? Một “ông lớn” của Hollywood mà lại quỵ lụy, van xin lòng thương hại sao”?
Xuyên suốt tiểu thuyết, ông trùm Vito luôn nói rõ ràng với những người con của mình: “Dù cho đàn bà sẽ thành thánh trên thiên đường, đàn ông bị đày xuống địa ngục, thì trên cõi đời này, đàn bà vẫn cứ là đàn bà và đàn ông vẫn cứ là đàn ông.” Hay như câu nói: “ Phụ nữ và trẻ con thì có thể bất cẩn, nhưng đàn ông thì không được phép”.
Đó giống như một cách nhắc nhở về bổn phận làm đàn ông, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, giữa lý trí và cảm tính, giữa tàn nhẫn và mềm yếu. Đàn ông làm việc của đàn ông, cho xứng với kiểu đàn ông.
Tại cuộc họp đàm phán với ‘ngũ đại gia’ tội phạm ở New York. Trong bối cảnh mà trước đó ông trùm Vito bị bắn suýt chết, người con cả Santino vì nông nổi cũng bị bắn chết, còn Michael thì phải chạy trốn đến Sicily và luôn thấp thỏm bị truy sát!
Với địa vị của người đứng đầu gia tộc, với thước đo về một gia đình cần sự an toàn và bảo vệ tuyệt đối, một ông trùm Vito liệu có để yên cho kẻ thù tác oai tác quái như vậy không? Chắc chắn là nhiều độc giả khi đọc đến đó sẽ nói không. Như Santino đã nói, hãy giết sạch chúng, nhuộm đỏ New York! Nhưng đó là cái dũng của kẻ thất phu không hơn không kém!
Bố già Vito đã bình thản thiết lập buổi hẹn hòa bình, giao ước với 5 gia tộc: Sẽ cho chúng mọi quyền lợi. Ông sẽ không trả thù. Ông cho phép chúng buôn bán ma túy. Ông không giúp, cũng không cản! Một bước lùi để đổi lại một thứ! Con trai út Michael của ông được trở về an toàn!
Có lẽ đến khi đọc hết chương cuối, người đọc mới vỡ lẽ vì sao Vito lại làm vậy để rồi ngả mũ thán phục Don Vito.
Khoảnh khắc đầy phong thái đàn ông của Vito Corleone, chính là vẻ u uất đến bình thản khi thiết lập hội nghị hòa bình ấy. Và bấy nhiêu đó đủ để con tim của bao độc giả phải nhảy nhót vì kính phục.
Đàn ông phải thế. Có biến cố lớn, vẫn thản nhiên đón nhận. Nhưng vẫn vạch ra hướng đi, để vùng lên. Tưởng lui mà tiến!
Cái chất đàn ông cũng được miêu tả qua nét mặt của “bố già mới” Michael Corleone khi ngồi trước mặt người em rể – một kẻ phản bội, để chất vấn về cái chết của anh trai (Santino). Nét mặt đó đủ lạnh lùng để cả “cánh tay phải” Tom Hagen cũng lạnh sống lưng. Nhưng cũng đủ chân thật một cách vô cùng thông minh, đủ để khiến kẻ phản bội tự thú, vì hắn nghĩ hắn còn cơ hội sống sót…
Bố già là cuốn sách theo admin đánh giá là nếu đọc một lần thì chưa thể hiểu đầy đủ hết ý nghĩa, cũng như những bài học mà tác phẩm văn học này truyền tải. Cuốn sách này nếu ta đọc vào những thời điểm khác nhau, độ tuổi khác nhau, đều sẽ có những bài học mới có thể áp dụng vào cuộc sống. Giống như diễn viên nổi tiếng của Hollywood – Tom Hanks từng thán phục rằng: “Bố Già là sự tổng hoà của mọi hiểu biết. Bố Già là đáp án cho mọi câu hỏi”!
Một cuốn sách mà mọi gã trai nên đọc để trở thành đàn ông!