Phim chiến tranh Việt Nam hay phim cách mạng Việt Nam là một thể loại đặc biệt, đây là những tác phẩm phản ánh chân thực và sâu sắc về lịch sử nước nhà. Những bộ phim này không chỉ tái hiện sự tàn khốc của chiến trường, mà còn khắc họa lên tâm hồn mỗi con người trong thời chiến khói lửa.
Dưới đây là top 10 phim chiến tranh Việt Nam đặc sắc nhất theo quan điểm của admin Blog Văn học Điện ảnh và không sắp xếp theo thứ tự về mức độ hay, mỗi tác phẩm đều hay theo cách riêng của tác phẩm đó!
Con Chim Vành Khuyên (1962)
Bộ phim nói về thời ký chống Pháp, bên dòng sông vắng, một túp lều đơn sơ mọc lên giữa bãi dâu xanh. Hai bố con bé Nga nhà chài lưới sinh sống nơi đây và người bố làm nhiệm vụ bí mật đưa đò chở cán bộ qua sông, với tín hiệu là cánh diều bay lượn trên bầu trời.
Bộ phim Con Chim Vành Khuyên của hai đạo diễn NSND Nguyễn Văn Thông và NSND Trần Vũ sản xuất năm 1961, thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ít ai biết bộ phim chỉ là bài thi tốt nghiệp của đạo diễn. Thế nhưng, bộ phim nhận được giải đặc biệt ở thể loại phim ngắn tại Liên hoan phim quốc tế Carlovy Vary (Tiệp Khắc). Bộ phim đã nhiều lần được trình chiếu trên truyền hình tại Việt Nam.
Em Bé Hà Nội (1974)
22 giờ, ngày 26 tháng 12 năm 1972, không quân Mỹ cho máy bay ném bom khu vực Khâm Thiên, phá huỷ 534 ngôi nhà, ước tính của khoảng 178 đứa trẻ đã mồ côi sau trận bom rải thảm đó. Từ đây với chỉ 2 câu thoại ‘Khâm Thiên’, toàn bộ bi kịch của ‘Em Bé Hà Nội’ đã trở nên rất rõ ràng và đắng cay.
Có lẽ phải đến khi xem phim ta mới hiểu cảm giác đang đi bộ trên đường, bỗng nghe thấy tiếng còi báo động, phải vội tìm chỗ ẩn nấp; bác sĩ đang khám bệnh, phải vội bế bệnh nhân chạy trú ẩn khỏi bom.
Hà Nội qua cái nhìn của đạo diễn Hải Ninh hiện lên thật khốc liệt, nhưng cũng vì thế cảnh phim những người lớn nhường chỗ của mình cho em bé Ngọc Hà lấy gạo đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về tình người mà chẳng cần đến lời thoại.
Hà Nội 12 Ngày Đêm (2002)
Hà Nội 12 Ngày Đêm là tác phẩm của đạo diễn Bùi Đình Hạc, phim tái hiện cuộc chiến kiên cường chống lại cuộc không kích bằng máy bay B-52 của không quân Hoa Kỳ tại thủ đô Hà Nội trong chiến dịch Linebacker II (18 – 30/12/1972).
Năm 2002, Hà Nội 12 Ngày Đêm đã đoạt Giải khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam dành cho kịch bản phim truyện xuất sắc nhất (tức là trước cả khi đóng máy). Năm 2003, tác phẩm đã được giới thiệu tại nhiều Liên hoan phim uy tín như LHP Fukuoka – Nhật Bản, LHP châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran và LHP Quốc tế Cairo lần 27.
Mùi Cỏ Cháy (2012)
Bộ phim là hành trình đầy cảm xúc của 4 chàng lính trẻ tham gia trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Phim không chỉ có những cảnh chiến đấu nghẹt thở, mà còn có những khoảnh khắc rất đời thường, giản dị, hồn nhiên mà xúc động.
Tác phẩm được Cục Điện ảnh chọn chiếu vào những ngày lễ lớn về cách mạng Việt Nam, phim được chương trình Cine 7 – Ký ức phim Việt lựa chọn.
Đừng Đốt (2009)
Đừng Đốt là một bộ phim chính kịch lịch sử sản xuất năm 2009 của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tác phẩm dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nội dung phim khai thác đời sống nội tâm sâu sắc, khắc họa rõ vẻ đẹp tâm hồn, lòng trắc ẩn của bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm, đồng thời cũng chính là vẻ đẹp tinh thần và bản lĩnh chiến đấu của những thanh niên Việt Nam.
Đừng Đốt gây được tiếng vang lớn khi công chiếu, phim giành được giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục giải Cánh Diều Vàng năm 2010 gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (diễn viên Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (NSND Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (NSƯT Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (NSƯT Bành Bắc Hải) và Giải phim khán giả bình chọn. Đây cũng là phim được chọn để tham dự giải Oscar.
Cánh Đồng Hoang (1979)
Bộ phim được dàn dựng bởi đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Không gian đề cập trong phim chỉ vỏn vẹn trong diện tích một cánh đồng hoang, nhưng lại khai thác cả không gian phía dưới mặt nước cánh đồng, cho đến tận trên không – nơi chiếc trực thăng Huey của Mỹ đang theo dõi đội du kích.
Phim giành được 6 giải thưởng trong và ngoài nước, nổi bật với Giải Bông sen vàng – LHP Việt Nam và Huy chương vàng – LHP Quốc tế Moskva.
Đất Mẹ (1980)
Đất mẹ – một bộ phim được sản xuất sau cuộc tấn công của Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam. Tác phẩm kể về pháo đài Đồng Đăng anh hùng ở Lạng Sơn, trận đánh với tỉ lệ 1 chọi 27, quân Trung Quốc khi ấy với sức mạnh 27.000 quân với hơn 70 xe tăng, hàng trăm pháo binh bao vây bộ đội Việt Nam trên pháo đài.
Có thể nói, đây là bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam tái hiện chân thực về cuộc chiến tại biên giới phía Bắc năm 1979.
Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm (1972)
Được thực hiện trong thời điểm quân đội Hoa Kỳ leo thang chiến tranh tại Việt Nam, Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm mang tầm vóc của một thiên sử thi về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân. Bộ phim dựa trên sự kiện có thật ở làng cát Gio Linh, tái hiện cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát mà dẫn đầu là chị Dịu và quân đội của Việt Nam Cộng hòa do Trần Sùng chỉ huy.
Gần một thập kỷ kể từ Chị Tư Hậu (1963), nữ diễn viên Trà Giang đã tiến một bước dài trong sự nghiệp diễn xuất và trở thành tượng đài của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đồng thời là diễn viên đầu tiên của Việt Nam giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Moscow năm 1973 cho vai chị Dịu.
Giải Phóng Sài Gòn (2005)
Giải Phóng Sài Gòn được sản xuất dựa trên tác phẩm Sài Gòn – Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng lược bớt một số đoạn. Những nhân vật trong phim đều là những nhân vật có thật như Tổng bí thư Lê Duẩn (NSƯT Hà Văn Trọng), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Khương Đức Thuận), Bí thư Trung ương Cục Miền Nam Phạm Hùng (NSƯT Hoàng Quân Tạo), Đặc phái viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ (Dương Trọng Hiếu)…
Đây là bộ phim được hãng Sài Gòn Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, tác phẩm là những thước phim bi tráng về chiến thắng lớn của dân tộc Việt Nam.
Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười (1984)
Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười – tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn luôn được coi là kiệt tác của điện ảnh Việt Nam khắc họa về sự tàn phá của chiến tranh.
Diễn viên Lê Vân đã xuất sắc trong vai một người phụ nữ miền Bắc Việt Nam đau đớn, giằng xé không thể chấp nhận cái chết của chồng – một người lính Việt Nam. Một tác phẩm hiện thực và đầy trữ tình đã thể hiện những mát mát, đau đớn và những khao khát của người dân Việt Nam thời chiến.
Trên đây là bài viết về top 10 phim chiến tranh Việt Nam đặc sắc nhất của Blog Văn học Điện ảnh, mong rằng bạn sẽ tìm được bộ phim ưng ý nhất để thưởng thức nhé!
Xem thêm: Top 7 phim chuyển thể từ văn học Việt Nam đặc sắc nhất