Top 10 vị tướng văn võ song toàn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

"Chuyện tào lao"
Top 10 tướng văn võ song toàn Tam Quốc Diễn Nghĩa

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, bên cạnh những hổ tướng dũng mãnh thiện chiến và những quân sư, mưu sĩ lắm mưu nhiều kế, thì vẫn có không ít danh tướng văn võ song toàn. Những tướng lĩnh này vừa có thể sử thương dụng đao, tế ngựa đi tiên phong khi đánh ‘giáp lá cà’ với quân địch; vừa giỏi bầy binh bố trận, thông thạo binh thư. Họ là những ai? Hãy cùng Blog Văn học Điện ảnh điểm danh Top 10 vị tướng văn võ song toàn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa qua bài viết sau đây!

Trước hết, admin muốn làm rõ vài luận điểm.

Thứ nhất, bài viết chỉ đề cập đến tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung chứ không bàn về chính sử. Trong chính sử có những vị tướng văn võ toàn tài như Cao Thuận, Văn Sính… Nhưng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì những viên tướng này không mấy nổi bật.

Thứ hai, có 2 nhân vật thường bị đa số độc giả hiểu nhầm là ‘văn võ song toàn’ đó là Chu Du và Triệu Vân. Thực tế thì trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, không có tình tiết nào miêu tả võ nghệ của Chu Du. Còn Triệu Vân vốn nổi tiếng với võ nghệ cao cường, lòng can đảm, biết phải trái đúng sai, biết chấp hành mệnh lệnh của quân sư trong những trận đánh nhỏ, chứ chưa từng lãnh đại quân đánh trận lớn, vai trò của ông chủ yếu là ‘hộ chủ’ giống như Hứa Chử, Điển Vi nước Nguỵ và Chu Thái nước Ngô.

Thứ ba, những nhân vật như Quan Vũ, Trương Phi, Nguỵ Diên, Vu Cấm đều là những võ tướng có thành tích đáng nể trong việc cầm quân đánh trận. Song, những người này đều có tật xấu tai hại khiến họ có những thất bại quan trọng, nên admin sẽ loại khỏi Top 10.

Thứ tư, bài viết theo ý kiến chủ quan của admin và không có ý định phân cao thấp trong 10 nhân vật này.

Nào chúng ta cùng bắt đầu thôi!

Trương Liêu

Trương Liêu, tên tự là Văn Viễn, là danh tướng nước Nguỵ, luận về võ, ông từng được một người kiêu ngạo như Quan Vũ nhận xét rằng ‘có võ nghệ không kém mình’; ông cũng từng giao đấu với mãnh tướng nhà Đông Ngô – Thái Sử Từ đến 70, 80 hiệp mà không phân thắng bại.

Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa
Trương Liêu – 1 trong 10 vị tướng văn võ song toàn của Tam Quốc Diễn Nghĩa

Luận về mưu trí, ông từng có thành tích dụ hàng được Quan Vũ. Sau trận đại chiến Xích Bích, ông được Tào Tháo tin tưởng giao nhiệm vụ trấn thủ Hợp Phì cùng với Lý Điển, Nhạc Tiến. Tại hồi 53, ông đã đánh tan quân Đông Ngô, sau đó tương kế tựu kế đánh bại Thái Sử Từ, khiến danh tướng Đông Ngô thiệt mạng. Tại hồi 67, một lần nữa Tôn Quyền đưa đại quân tiến đánh Hợp Phì, lần này Trương Liêu chỉ có ít quân mà đánh cho quân Đông Ngô khốn đốn, ông suýt bắt được Tôn Quyền trong trận đánh này, sau trận đánh, trẻ con Đông Ngô nghe thấy tên Trương Liêu sợ không dám khóc đêm.

Trương Nhiệm

Top 10 vị tướng văn võ song toàn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

“Ngoạ Long, Phượng Sồ – có được một trong hai có thể bình được thiên hạ”. Đây là câu nói đề cao mưu trí của 2 vị quân sư tài năng thời Tam Quốc. Tài năng của Gia Cát Lượng không ai đọc Tam Quốc là không biết, còn Bàng Thống cũng được đánh giá là ngang hàng với Gia Cát Khổng Minh. Nhưng chiến dịch Lưu Bị chiếm Tây Xuyên do Bàng Thống đích thân đem quân đi đánh trận lại gặp phải đối thủ vô cùng ‘khó nhằn’ đó là Trương Nhiệm, một tướng phục vụ cho Lưu Chương.

Trong chiến dịch này, chính Trương Nhiệm đã mai phục bắn chết Bàng Thống tại gò Lạc Phượng. Bản thân Trương Nhiệm là người rất có năng lực, về võ, ông từng giao đấu 2 lần với Trương Phi, mỗi lần khoảng 10 hiệp. Về tài dùng binh, ông thông thạo mọi binh thư, ngoài ra Trương Nhiệm còn là một võ tướng rất can đảm. Sau khi Bàng Thống chết, đích thân Gia Cát Lượng phải vào Tây Xuyên trợ chiến. Để bắt được Trương Nhiệm, Gia Cát Lượng đã phải điều động lực lượng quân mã mạnh bậc nhất của Thục Hán lúc bấy giờ, kết hợp với 3 trong 5 hổ tướng, đó là Trương Phi, Triệu Vân và Hoàng Trung. Chỉ tiếc là sau khi bại trận, bất luận Gia Cát Lượng có muốn Trương Nhiệm quy hàng ra sao thì ông vẫn chọn cái chết.

Từ Hoảng

10 tướng văn võ song toàn Tam Quốc Diễn Nghĩa

Từ Hoảng, tên tự là Công Minh, là một trong vài tướng lĩnh xuất sắc nhất trong lực lượng Tào Nguỵ, ông cùng với Trương Liêu – là 2 vị tướng được Quan Vũ đánh giá rất cao. Ông là một vị võ tướng, nhưng là người nhiều lần góp sức tham mưu như các mưu sĩ trong những chiến dịch lớn. Đặc biệt, trong trận Đồng Quan, ông đã tham mưu cho Tào Tháo phương án tác chiến đánh vào sườn quân Tây Lương, đó là bước ngoặt của trận chiến, tạo điều kiện cho quân Nguỵ có thắng lợi quyết định.

Giây phút toả sáng nhất sự nghiệp của Từ Hoảng là ở trận Phàn Thành. Khi Phàn Thành bị Quan Vũ tấn công và quân tiếp viện do Vu Cấm, Bàng Đức chỉ huy đã bị đánh bại, ông dẫn quân đến Phàn Thành làm quân tiếp viện. Từ Hoảng không vội giao chiến mà lập trại đằng sau quân địch. Ông cho lính đào hầm xung quanh thành khác của địch là Nghiêm Thành, giả vở như cắt đường vận lương địch. Quân Quan Vũ bị lừa và rời bỏ vị trí, giúp Từ Hoảng từng bước giải vây Phàn Thành. Trong trận đánh giáp mặt với quân Thục, trước một Quan Vũ đã bị thương ở cánh tay trước đó, ông đã cùng Quan Vân Trường giao đấu 70, 80 hiệp và chiếm được thế thượng phong, khiến cho Quan Bình – con nuôi Quan Vũ, sợ cha mình nguy hiểm đành đánh chiêng thu quân về trại.

Lã Mông

Lã Mông, tên tự là Tử Minh, ông là võ tướng nhà Đông Ngô thời Tam Quốc. Về tài võ nghệ, Lã Mông từng nhiều lần xông pha nơi mũi tên hòn đạn chém tướng giặc; có lần Cam Ninh và Lăng Thống, hai mãnh tướng của Đông Ngô nảy sinh mâu thuẫn định đoạt mạng nhau, Lã Mông một tay thuẫn, một tay đao, nhảy vào giữa cuộc xô xát để ngăn cản hai viên tướng này.

Lã Tử Minh
Lã Mông trong phim Tam Quốc (2010)

Tài năng quân sự của ông cũng được nhiều tướng lĩnh và nhà quân sự đương thời đánh giá cao, ông cùng với Chu Du, Lỗ Túc và Lục Tốn đã trở thành ‘tứ đại đô đốc’ nổi tiếng của Đông Ngô thời Tam Quốc. Trong chiến dịch đánh chiếm Kinh Châu, chính Lã Mông là người sử dụng kế sách ‘áo trắng sang sông’ và đánh bại quân đội nhà Thục. Sau khi Quan Vũ bị Từ Hoảng đánh bại trong trận Phàn Thành phải rút quân về, Lã Mông đã cho quân mai phục bắt sống Quan Vũ sau đó cho xử chảm danh tướng này.

Cam Ninh

Cam Ninh là một trong vài danh tướng thiện chiến nhất nhà Ngô trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Luận về võ, ông có tài bắn tên siêu phàm, võ nghệ cao cường, ông từng nhiều lần xông pha nơi tiền tuyến chém đầu tướng giặc. Trong trận Xích Bích, chiến tích của Cam Ninh vô cùng xuất sắc, lúc đó, Cam Ninh được xem như tướng tiên phong của Đông Ngô, vừa mở màn đã chém chết đại tướng Sái Trung của quân Nguỵ, ngay sau đó, hai viên tướng khác là Trương Khải và Mã Diên cùng xông tới, nhưng đều uổng mạng dưới tay mãnh tướng họ Cam.

Cam Ninh văn võ song toàn

Sau sự kiện ‘bến Tiêu Diêu, Trương Liêu khét tiếng’ thì ‘Cam Ninh trăm kỵ cướp Nguỵ doanh’, cũng là một câu chuyện đặc sắc trong trận giao chiến Ngô – Nguỵ. Sự kiện này đã bộc lộ dũng khí và tài mưu lược của danh tướng Cam Ninh. Trận đánh này, Cam Ninh đã chọn ra 100 quân tinh nhuệ, đến canh 2 lặng lẽ kéo đến Tào doanh, nhổ hết cọc rào xông vào chém giết. Quân địch hoảng loạn chạy xuôi ngược. Cam Ninh loạn đả một trận rồi lui về, 100 quân còn nguyên không mất một ai. Sau trận này, Tôn Quyền đã nói rằng nếu Tào Tháo có Trương Liêu, thì ta cũng có Cam Hưng Bá.

Đặng Ngải

Đặng Ngải là danh tướng cuối thời Tam Quốc, từ nhỏ ông đã thông minh ham đọc sách quân sự, ‘ông đã cầm binh thư trên tay thì không thể bỏ xuống’, ông đi đến đâu cũng nhìn ngó địa hình, rồi lấy giấy bút ra vẽ địa đồ, chỗ nào chứa lương, chỗ nào lập trại… Ông cũng là người có đao pháp xuất chúng, ông từng đọ sức với những võ tướng nổi danh khác như Khương Duy, Văn Ương mà không kém miếng nào.

Đặng Ngải văn võ song toàn

Sau này, ông cùng với Khương Duy đã nhiều lần đấu trận pháp với nhau, ăn miếng trả miếng, không ai kém ai. Khi ông cùng với Chung Hội được phái đi tiêu diệt nước Thục. Lúc bấy giờ nước Thục đã rơi vào thời kỳ suy thoái, quân chủ Lưu Thiện chỉ lo ăn chơi trác táng, quân thần chỉ chực chờ hàng giặc, chỉ còn Khương Duy loay hoay giữ vững thế cục nhưng cũng lực bất tòng tâm, sau cùng Đặng Ngải đã đánh bại và tiêu diệt nhà Thục Hán.

Khương Duy

Khương Duy, tên tự là Bá Ước, ban đầu ông là tướng nhà Ngụy, nhưng trong lần Gia Cát Lượng phạt Bắc lần thứ nhất, Khương Duy bị quân Tào rời bỏ, đường cùng phải sang quy hàng nhà Thục và được Gia Cát Lượng hết sức mến mộ tài năng. Về võ lực, ông có tài đánh thương, từng chiếm chút lợi thế khi giao thủ với một Triệu Vân đã già, Triệu Vân đã khen rằng: “Khương Duy dùng thương giỏi lắm, không hở miếng nào”.

Khương Duy văn võ song toàn
Khương Duy – người kế tục Gia Cát Lượng

Về sau Khổng Minh đã chọn Khương Duy làm người kế thừa những tinh hoa cả đời của mình. Sau khi Khổng Minh mất, Khương Duy tiếp tục đảm nhiệm trọng trách Bắc phạt và lập nhiều chiến tích không nhỏ. Nổi danh nhất có lẽ là chiến tích ông từng dùng mưu mẹo để chia rẽ Chung Hội và Đặng Ngải, mưu kế “lật kèo” của ông suýt chút nữa đã thành hiện thực, nhằm lấy lại giang sơn cho nhà Thục Hán, nhưng chỉ chút sai số nhỏ mà gặp phải thất bại đáng tiếc.

Chung Hội

Chung Hội văn võ song toàn

Chung Hội cùng với Đặng Ngải và Khương Duy, là 3 vị tướng tài năng nhất cuối thời Tam Quốc. Ông thông minh từ thuở nhỏ, có tài ứng đối lưu loát, chăm đọc binh thư, mưu lược cao siêu, giỏi võ nghệ.

Khi nhà Thục suy yếu, ông cùng với Đặng Ngải được Tư Mã Chiêu phái đi tiêu diệt nước Thục. Với tài năng quân sự của mình, ông đã đối đầu cầm chân đại quân do Khương Duy chỉ huy, để Đặng Ngải đi tắt qua Âm Bình, đánh bại đội quân của Gia Cát Chiêm rồi tiến thẳng vào Thành Đô, nhà Thục đầu hàng Đặng Ngải và sụp đổ.

Đinh Phụng

Trong thời Tam Quốc phân tranh, Đông Ngô là một nước có nhiều người tài giỏi. Thời đầu Tam Quốc có thể kể đến như Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Cam Ninh, Thái Sử Từ, Chu Thái… Thời sau thì có 2 danh tướng quan trọng bậc nhất là Đinh Phụng và Từ Thịnh. Đinh Phụng, tên tự là Thừa Uyên, với tài mưu lược và sự can đảm, ông từ một tiểu tướng đã trở thành Đại Đô Đốc nắm giữ binh quyền về sau này.

Đinh Phụng văn võ song toàn

Có nhiều nhân vật nổi tiếng đã trực tiếp hay gián tiếp thất bại dưới tay Đinh Phụng. Trong số đó nổi bật nhất là Trương Liêu và Quan Vũ,… Công nguyên năm 220, Đinh Phụng phụng sự dưới trướng của Lã Mông, nhận lệnh đem quân chặn đường Quan Vũ, sau đó bao vây cha con Quan Vũ ở Mạch Thành. Chính ông là người đã ép hai cha con Quan Vũ phải lui binh để rồi tiếp tục trúng bẫy của Phan Trương mà bỏ mạng. Trong lần mang quân đi phạt Ngô, Tào Phi đã vướng phải sự chống trả quyết liệt của hơn 6 ngàn quân Đông Ngô, trong trận chiến này, Trương Liêu liều chết bảo vệ Tào Phi nên đã mất mạng do một mũi tên của Đinh Phụng.

Đinh Phụng còn là vị tướng giỏi thuỷ chiến, ông từng dùng thuỷ binh đánh tan quân Nguỵ. Mao Tôn Cương từng bình rằng: “Thừa lúc tuyết phủ để dụ địch chính là trận Võ Hầu phá quân thiết xa, đang đêm chỉ có trăm quân mà đi cướp trại địch đó là Cam Ninh, lấy thuỷ quân để phá thuỷ quân thì có Hoàng Cái đốt thuyền của Bắc quân, còn dùng thuỷ quân đi nghênh ngang dưới nước mà có thể đánh được trại địch trên cạn thì ngoài Đinh Phụng ra, xưa nay chưa từng có ai”.

Tào Nhân

Tào Nhân văn võ song toàn

Tào Nhân là em cùng họ với Tào Tháo, ông là một danh tướng hoàn toàn xứng đáng thuộc top 10 vị tướng văn võ song toàn trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Khi còn trẻ, Tào Nhân thích săn bắn và giỏi cưỡi ngựa, ông cũng có sức khoẻ hơn người và võ nghệ siêu phàm, Tào Nhân từng dẫn đầu hơn một ngàn binh lính đi dẹp quân Khăn Vàng, về sau này, ông nổi danh với tài năng trong những trận thủ thành.

Nổi danh nhất trong binh nghiệp của Tào Nhân có lẽ là trong chiến dịch Tương Phàn. Trong chiến dịch này, ông đã chặn đứng các cuộc tấn công của Quan Vũ, Quan Vũ sau một lần đánh thành do Tào Nhân chỉ huy đã bị trúng một mũi tên tẩm độc bị thương rất nặng, phải nhờ đến Hoa Đà cứu chữa mới dần hồi phục. Sau đó Tào Nhân hội quân với Từ Hoảng phản công, khiến Quan Vũ phải rút lui.


Xem thêm: Top 10 cung thủ giỏi nhất Tam Quốc Diễn Nghĩa

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!